1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

VinFast báo lỗ trong kế hoạch hơn 6.500 tỷ đồng nửa đầu 2020

Mai Chi

(Dân trí) - Mức lỗ này nằm trong kế hoạch của VinFast. Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chiến lược của Vingroup dành cho VinFast là chấp nhận bù lỗ từ 3-5 năm, mục tiêu là thị phần chứ không phải lợi nhuận.

Hoạt động dưới đường tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch ngày hôm qua (9/9), chỉ số VN-Index sau đó có lúc đã đạt trạng thái tăng, song vẫn kết phiên giảm 0,82 điểm tương ứng 0,09% còn 889,32 điểm. Như vậy, chỉ số chính vẫn dừng trước ngưỡng 900 điểm.

HNX-Index cũng phần lớn thời gian giảm nhưng cuối phiên lại bứt phá thành công, tăng 1,13 điểm tương ứng 0,9% lên 125,93 điểm. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,03% lên 58,84 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản phiên hôm qua rất tốt. Dòng tiền đổ vào HSX đạt 5.985,2 tỷ đồng (tức xấp xỉ 6.000 tỷ đồng được giải ngân), khối lượng giao dịch ở mức 318,44 triệu đơn vị.

Trên HNX, khối lượng giao dịch ở sàn này cũng được đẩy lên 40,04 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 507,26 tỷ đồng. UPCoM có 20,68 triệu đơn vị giao dịch tương ứng 257,54 tỷ đồng.

Dấu hiệu đảo chiều của thị trường chung được thể hiện rõ nét qua sự “chuyển màu” của bức tranh chung. Thời điểm kết phiên đã có tới 403 mã tăng giá, 54 mã tăng trần so với 319 mã giảm, 15 mã giảm sàn.

Tuy vậy, thị trường thiếu vắng sự dẫn dắt của các mã lớn. Những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất là BCM, GVR, VHM, DPM nhưng tác động không đáng kể, trong khi VCB, TCB, CTG, SAB lại giảm giá.

VinFast báo lỗ trong kế hoạch hơn 6.500 tỷ đồng nửa đầu 2020 - 1

Mẫu SUV VinFast President phiên bản giới hạn của VinFast có giá 4,6 tỷ đồng

VIC hôm qua đứng tham chiếu 90.500 đồng/cổ phiếu. Thông tin mới nhất liên quan đến VinFast được hãng xe này thông báo cho thấy, trong nửa đầu năm nay, lỗ sau thuế của VinFast ở mức 6.591 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 đạt 28.116 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với một năm trước đó. Lỗ này của VinFast nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng cho biết tại phiên họp đại hội đồng cổ đông năm 2020 rằng, chiến lược của Vingroup đối với VinFast là đầu tư lớn, quyết liệt, chấp nhận bù lỗ từ 3 đến 5 năm, mục tiêu trước mắt là thị phần chứ không phải lợi nhuận.

Được biết, tại VinFast, ông Phạm Nhật Vượng nắm 48,77% vốn, còn lại 51,15% thuộc sở hữu Vingroup.

Trong ngày hôm qua, Vingroup cho biết, cùng ngày, VinFast đã ký kết thỏa thuận mua Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang (bang Victoria, Australia). Đây là bước đi tiếp theo trong chiến lược phát triển thương hiệu ô tô toàn cầu của VinFast. Lang Lang là một trong những Trung tâm thử nghiệm xe hơi lâu đời và hiện đại bậc nhất thế giới thuộc Công ty GM Holden.

Về thanh khoản, HPG là mã có giao dịch sôi động nhất, khớp lệnh đạt 19,63 triệu đơn vị nhưng lại đang giảm giá, lùi về mức 24.500 đồng. Một số mã khác được giao dịch mạnh là HSG và HAG với khối lượng khớp lần lượt đạt 11,38 triệu và 10,19 triệu cổ phiếu.

VGC khớp lệnh 1,38 triệu cổ phiếu nhưng lại là mã được thoả thuận mạnh nhất hôm qua với 7,99 triệu cổ phiếu sang tay trị giá xấp xỉ 180 tỷ đồng. Kế đến là HNG với 4,28 triệu cổ phiếu thoả thuận, trị giá 53,3 tỷ đồng và có hơn 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Giao dịch của khối ngoại hôm qua gây bất lợi cho chỉ số. Khối này mua vào 22 triệu cổ phiếu, trị giá 502,6 tỷ đồng, trong khi bán ra 28 triệu cổ phiếu, trị giá 675 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 172,5 tỷ đồng.

Riêng trên sàn HSX, khối ngoại tiếp tục bán ròng 169 tỷ đồng (giảm 60,5% so với phiên trước), tương ứng khối lượng là 5,7 triệu cổ phiếu.

HPG là mã bị bán ròng mạnh nhất với 4,58 triệu đơn vị tương ứng giá trị bán ròng là 112,5 tỷ đồng. VNM, VHM, VCB, NBB, GAS và chứng chỉ quỹ FUESSVEL cũng nằm trong danh mục bán ròng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm