Công ty ông Phạm Nhật Vượng lãi “khủng” nhất thị trường chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi cổ phiếu VIC của Vingroup đang là “đầu tàu” dẫn dắt thị trường chứng khoán thì Vinhomes (VHM) là doanh nghiệp có lãi “khủng” nhất thị trường, vượt 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Công ty ông Phạm Nhật Vượng lãi “khủng” nhất thị trường chứng khoán - 1

Vinhomes vẫn đang là doanh nghiêp có lợi nhuận "khủng" nhất thị trường chứng khoán

Trong phiên chiều qua (3/9), các chỉ số chính bứt phá và VN-Index đã chính thức vượt qua mốc 900 điểm.

Cụ thể, VN-Index tăng 12,24 điểm tương ứng 1,37% lên 903,97 điểm; HNX-Index tăng 0,64 điểm tương ứng 0,51% lên 126,05 và UPCoM-Index cũng tăng 0,16 điểm tương ứng 0,28% lên 58,96 điểm.

Thanh khoản đạt 370,48 triệu cổ phiếu tương ứng 7.659,25 tỷ đồng trên HSX và 52,25 triệu cổ phiếu tương ứng 552,2 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM cũng thu hút được 291,5 tỷ đồng với 20,52 triệu cổ phiếu giao dịch. Tổng cộng, phiên hôm qua có tới 8.502,95 tỷ đồng đã “đổ” vào 3 sàn giao dịch.

Trong số này, giá trị giao dịch ở nhóm bluechips trong rổ VN30 tăng khá mạnh, lên 3.170,99 tỷ đồng. Riêng CTG được thoả thuận 24,9 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 626,3 tỷ đồng. Mã này cũng được khớp lệnh cao, ở mức 8,34 triệu cổ phiếu.

Tuy vậy, hôm qua, CTG lại giảm giá 200 đồng xuống 25.950 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong bốn cổ phiếu của rổ VN30 mất giá trong khi có đến 25 mã tăng, riêng EIB đứng tham chiếu.

SAB tiếp tục tăng mạnh 3.800 đồng lên 193.800 đồng; VCB tăng 3.200 đồng lên 86.200 đồng; VIC tăng 1.800 đồng lên 94.500 đồng; VNM tăng 1.500 đồng lên 124.700 đồng; VHM tăng 900 đồng lên 79.600 đồng; BID cũng tăng giá lên 42.200 đồng.

Theo đó, VCB và VIC đang là hai trụ cột chính của thị trường với đóng góp của VCB cho chỉ số là 3,33 điểm và của VIC là 1,71 điểm.

Tình trạng giảm tại CTG, DHG, BHN, HVN, DPM có phần nào ảnh hưởng đến VN-Index tuy nhiên mức độ tác động không đáng kể.

VHM có vẻ như đang tăng tốc sau một số phiên biến động ở biên độ hẹp. Vinhomes vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm đã được soát xét với doanh thu thuần không thay đổi so với báo cáo tự lập, đạt 22.896 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 3% còn 14.697 tỷ đồng, lãi sau thuế 11.061 tỷ đồng và lãi ròng (lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ) là 10.279 tỷ đồng, song vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi ròng của Vinhomes cũng tăng so với cùng kỳ.

Hồi tháng 7, một công ty con của Vinhomes đã ký hợp đồng đặt cọc với đối tác để mua 45% tỷ lệ sở hữu trong một công ty bất động sản với tổng số tiền cọc lên tới 2.590 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, bức tranh thị trường hôm qua tích cực với sắc xanh chủ đạo: Có 447 mã tăng giá, 56 mã tăng trần so với 308 mã giảm, 30 mã giảm sàn.

Theo nhận định có phần thận trọng của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index vẫn đang trong quá trình nới rộng xu hướng tăng và tiến gần đến vùng đỉnh cũ 905 điểm, đây cũng là vùng cản cần lưu ý trong ngắn hạn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể giữ ổn định danh mục và chờ dấu hiệu kháng cự cụ thể của thị trường.

Còn MBS lại cho rằng, thị trường đã bước vào sóng tăng mới nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn bên cạnh các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi.

Về kỹ thuật, VN-Index đã có 2 phiên bứt phá bằng trụ và phiên hôm qua tín hiệu này càng trở nên rõ nét hơn. Các tín hiệu kỹ thuật cùng đà tăng của chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường trong nước trong các phiên sắp tới.