Viglacera làm ăn ra sao?

Phương Liên

(Dân trí) - Sau khi Gelex hoàn tất mua cổ phiếu nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,2% tại Viglacera, Viglacera có lợi nhuận tốt song cũng đối mặt nỗi lo liên quan tới nợ vay.

Đầu năm 2021, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng giám đốc đã hoàn tất mua vào 18,57 triệu cổ phiếu VGC của Công ty cổ phần Viglacera, nâng sở hữu tại đây lên 50,2%. Tỷ lệ này đồng nghĩa Gelex chính thức trở thành công ty mẹ và được hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý II/2021. Viglacera kinh doanh thế nào?

Viglacera làm ăn ra sao? - 1

Gelex tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 50,2% vào đầu năm 2021 (Ảnh: VGC).

2021, năm đầu tiên lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng

Năm 2021, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 11.200 tỷ đồng, tăng 18,7% so với doanh thu 9.433 tỷ đồng đạt được năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.541 tỷ đồng, vượt 54% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế tăng 92% so với năm 2020, lên 1.280 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi thành lập doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng trong quý IV/2021, công ty này ghi nhận mức lãi sau thuế là 442 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 410 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là mảng đóng góp chính cho lợi nhuận của công ty.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận cao. Nhóm kính là nhóm có sự chuyển biến tích cực nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng với mức tăng trưởng lớn về quy mô và lợi nhuận do công ty đã hợp nhất báo cáo tài chính với Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

Xét về cơ cấu doanh thu năm 2021 của Viglacera, mảng cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp chiếm 23% tổng doanh thu đạt hơn 2.552 tỷ đồng. Mảng gạch ốp lát mang về 2.577 tỷ đồng cũng đóng góp vào gần 23%. 15% doanh thu tiếp theo đến từ các sản phẩm về kính. Mảng sản phẩm gạch, ngói, đất sét nung đạt hơn 1.700 tỷ đồng doanh thu, còn các sản phẩm từ sứ và phụ kiện đạt cũng có doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Kinh doanh bất động sản, động lực tăng trưởng chính trong năm 2022

Trong năm 2022, Viglacera ghi nhận 14.594 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 30%, lợi nhuận trước thuế là 2.321 tỷ đồng tăng hơn 50% so với năm 2021. Năm 2022, công ty đã đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Do đó, với 2.321 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty đã vượt 37% chỉ tiêu lợi nhuận và hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng gạch ốp lát vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất của công ty, chiếm 24% đạt 3.572 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Nguồn thu lớn thứ hai đến từ dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng công nghiệp hơn 3.338 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021, đóng góp 23% vào doanh thu.

Tính đến cuối năm 2022, hàng tồn kho của tổng công ty tăng 16% lên 4.257 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng ghi nhận 5.750 tỷ đồng, phần lớn nằm ở chi phí xây dựng các khu công nghiệp.

Đáng chú ý, trong năm 2022, Viglacera ghi nhận kết quả kinh doanh bất động sản tăng trưởng với 1.622 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 57% so với năm 2021. Lĩnh vực này cũng có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty.

Nỗi lo nợ vay

Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan song nợ vay các năm gần đây của Viglacera tăng nhanh trong khi lãi suất thời gian qua có xu hướng tăng mạnh.

Tổng nợ vay của công ty này năm 2022 là 13.856 tỷ đồng, tăng 216 tỷ đồng so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 60,5%, đạt 8.385 tỷ đồng. Trong khoản mục nợ ngắn hạn, chỉ số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng tăng hơn 35%, từ 1.447 tỷ đồng lên 1.956 tỷ đồng. Nếu tính cả vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tổng vay nợ của Viglacera lên đến hơn 3.600 tỷ đồng.

Dù thế, trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp có khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn hơn 2.400 tỷ đồng, có giảm so với cùng kỳ 2021, khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn 2022 là hơn 2.700 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các khoản này nếu thực hiện được sẽ là "của để dành" cho doanh nghiệp trong tương lai.

Năm 2021, tổng tài sản của Viglacera tăng hơn 22% so với đầu kỳ, đạt 22.015 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả đến cuối năm là gần 13.640 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.447 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn là 1.742 tỷ đồng, tăng hơn 1.341 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021.

Không chỉ vậy, hệ số khả năng thanh toán của công ty từ năm 2020 đến nay cũng khá thấp. Cụ thể, hệ số khả năng thanh toán hiện hành trong 3 năm trở lại đây chỉ đạt 0,93 và 0,97. Trong khi những năm trước đó hệ số này luôn nằm trong khoảng từ 1 đến 1,5. Với chỉ số trên, theo nghiệp vụ kế toán, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể sẽ không có đủ tài sản có thể chuyển đổi thành tiền mặt để thanh toán cho những khoản nợ ngắn hạn.

Cùng với đó, việc trả các khoản lãi vay cũng là một áp lực với Viglacera. Trong năm 2022, chi phí lãi vay tăng hơn 58%, từ 160,7 tỷ đồng lên mức 254,8 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng tăng trở lại trong năm vừa qua, từ 0,27 lần năm 2020 lên 0,4 lần vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của doanh nghiệp này giảm nhẹ còn 60,3% vào cuối năm 2022.