TPHCM:

"Vietinbank không biết, không tham gia giao dịch của Huyền Như"

(Dân trí) - Cho rằng những vụ việc huy động vốn, giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản là do cá nhân bị cáo Huyền Như thực hiện ngoài trụ sở giao dịch của Vietinbank nên Vietinbank đã bác các yêu cầu bồi thường của những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Việt Nam có thể hoãn khởi công điện nguyên tử tới 2020

Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn “mù mờ” về TPP

Đầu tư tiền ảo Bitcoin sôi sục, canh bạc bỏng tay

Huyền Như giao dịch với tư cách cá nhân

Chiều 16/1, sau khi kết thúc phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo và những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng, đến lượt đại diện pháp lý của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank lên tiếng.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc (đoàn Luật sư Hà Nội) chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Vietinbank cho biết bà rất đồng ý với nội dung luận tội của VKS đối với Huyền Như. Theo đó, luật sư này cho rằng tất cả những vụ việc huy động vốn, giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản trong vụ án này là do cá nhân bị cáo Huyền Như thực hiện. Những thỏa thuận, giao dịch bất hợp pháp giữa bị cáo Như với các ngân hàng, công ty, cá nhân luôn được thực hiện bên ngoài trụ sở giao dịch của Vietinbank. Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia.

Vietinbank quy trách nhiệm thuộc về cá nhân Huyền Như
Luật sư của Vietinbank khẳng định trách nhiệm thuộc về cá nhân Huyền Như

Luật sư của Vietinbank dẫn một số trường hợp điển hình như việc huy động vốn và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB chi nhánh TPHCM. Khoảng từ tháng 7 đến tháng 9/2011, Như đã gặp Huỳnh Hữu Danh (nhân viên VIB) để đặt vấn đề vay tiền của ngân hàng này. Sau khi Danh đồng ý, Như đã làm 40 hợp đồng gửi tiền giả giữa Vietinabnk chi nhánh Nhà Bè với 12 đối tượng là người giúp việc và người thân của mình để làm tài sản thế chấp của 40 hợp đồng cầm cố vay với VIB với số tiền gốc là 300 tỷ đồng. Số tiền 180 tỷ đồng của 12 hợp đồng còn lại đã bị Như chiếm đoạt. Như vậy, trong giao dịch này, VIB đã giao dịch với cá nhân bị cáo Như chứ không phải với Vietinbank và đã bị Như lừa mất tài sản. 

Giải thích cho việc huy động và chiếm đoạt tiền của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, luật sư Bắc cũng đã quy trách nhiệm cho các bị hại. Luật sư nói trước tòa: “Trong các vụ việc này, 3 công ty trên đã bị Như lừa ký và thực hiện hợp đồng giả. 2 công ty Phúc Vinh và Thịnh Phát đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc đăng ký mở tài khoản là nộp hồ sơ đăng ký mở tài khoản tại trụ sở giao dịch để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu. Đồng thời 3 công ty này đã không thực hiện trách nhiệm của chủ tài khoản là theo dõi số dư trên tài khoản, để nhiều giao dịch giả qua tài khoản mà không báo với Vietinbank”. Viện dẫn thêm cho lý giải này, luật sư đã đưa ra hàng loạt các điều khoản, quy định pháp luật để củng cố cho nhận định của mình.

“Trong các vụ việc này, bị cáo Như đã giả danh Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè để giao dịch với 3 công ty trên. 3 công ty này đã ký kết và thực hiện việc chuyển tiền theo hợp đồng giả nên đã bị Như lừa”, luật sư Bắc đi đến kết luận.

Trong trường hợp huy động và chiếm đoạt tiền của công ty Cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương, công ty ZenPlaza và bà Giã Thị Mai Hiên, Phạm Anh Huấn, Lê Thị Kim Tuyến, luật sư của Vietinbank cũng cho rằng Như đã làm hợp đồng ủy thác đầu tư giả giữa Vietinbank với những công ty, cá nhân này. Từ đó, Như đã huy động tiền từ 3 cá nhân và 2 công ty trên chứ không phải Vietinbank. Vì vậy, Vietinbank không có trách nhiệm đối với số tiền mà Như đã lừa của các các cá nhân, tổ chức này.

Các cá nhân, tổ chức giao dịch với Huyền Như ngoài trụ sở nên không liên quan đến Vietinbank?
Các cá nhân, tổ chức giao dịch với Huyền Như ngoài trụ sở nên không liên quan đến Vietinbank?

Hậu quả của vượt trần lãi suất

Trước đó, trong phiên xét xử sáng 16/1, luật sư Trương Thanh Đức (bào chữa cho ngân hàng Navibank) đã cho rằng việc gửi tiền vượt trần lãi suất là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng.

Luật sư nhận định, hiện có rất nhiều ngân hàng huy động tiền vượt trần lãi suất. Tuy nhiên, về số tiền gửi 200 tỷ đồng của Navibank vào Vietinbank là hoàn toàn hợp pháp nên cần được bảo vệ. Còn số tiền lãi của việc gửi vượt trần lãi suất thì không được sự bảo vệ của pháp luật. Luật sư Đức cũng cho rằng cần bỏ ngay hình thức gửi tiền vượt trần lãi suất. Và phải có biện pháp nghiêm trị những hình thức này.

Về trách nhiệm của Vietinbank, luật sư Đức cho rằng, thực tế, Huyền Như chiếm đoạt tiền từ Vietinbank. Nhưng Vientinbank đã hoán đổi hậu quả sang cho Navibank. “Nếu gửi tín dụng đen thì việc mất tiền không phải bàn. Nhưng gửi tiền vào ngân hàng mà mất tiền thì xưa nay chưa có tiền lệ. Gửi tiền vào ngân hàng xếp hạng A ở Việt Nam mà không an toàn thì chẳng biết gửi ở đâu cho an toàn nữa”, luật sư nói.

Với cáo buộc của VKS về việc các đơn vị cá nhân phải cẩn thận với thông tin Như đưa ra, luật sư Đức nhận định: “Vietinbank cũng đề cao trọng dụng Như. Nên nói tin vào Như là vô căn cứ thì chẳng lẽ tin vào Vietinbank cũng là vô căn cứ. Thực tế đa số ngân hàng chứ không riêng gì Vietinbank, khi giao dịch thì ký hợp đồng với nhân viên tín dụng chứ mấy ai ký với giám đốc hay tổng giám đốc”.

Còn về số tiền Navibank gửi vào Vietinbank, luật sư Đức cũng khẳng định là hoàn toàn có căn cứ. “4 nhân viên Navibank đã chuyển tiền vào Vietinbank theo hình thức Hợp đồng tiền gửi chứ không phải theo dạng mở tài khoản. Mà làm Hợp đồng tiền gửi thì chỉ cần giấy yêu cầu và giấy tờ cá nhân hợp lệ là đã có thể thực hiện”, luật sư lý giải.

Các bị hại vẫn không thừa nhận Huyền Như là con nợ
Các bị hại vẫn không thừa nhận Huyền Như là con nợ

Trong phần bào chữa cho công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, luật sư Đoàn Ngọc Châu cũng cho rằng số tiền gần 4.000 tỷ mà Như lừa thì đã có đến 3.000 tỷ được mang đi trả lãi suất cao. Qua đó, luật sư Châu cũng kiến nghị thu hồi lại số tiền này.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc (bị thiệt hại 170 tỷ đồng tiền gửi vào Vietinbank) cho biết các hợp đồng của An Lộc ký với Vietinbank có con dấu và chữ ký của ông Trương Minh Hoàng, đại diện cho Vietinbank. Hợp đồng này đã được xác nhận qua điện thoại, Fax do lãnh đạo An Lộc đi vắng khi làm hợp đồng. Tuy nhiên, theo cáo trạng Huyền Như đã giả mạo con dấu và chữ ký của An Lộc để chiếm đoạt 170,35 tỷ đồng.

Thực tế, An Lộc cũng đã nhận 350 triệu đồng tiền lãi. “Dù số tiền nhỏ nhưng nó lại là một chứng cứ hết sức quan trọng, quyết định đến bản chất giao dịch giữa Vietinbank và An Lộc vì số tiền 350 triệu đồng này là tiền lãi không kỳ hạn phát sinh trên tài khoản tiền gửi của An Lộc tại Vietinbank. Đó là chứng cứ không thể chối cãi thể hiện việc Vietinbank đã thực hiện nghĩa vụ trả lãi đối với số tiền mà An Lộc đã gửi. Vậy tại sao VKS lại cho rằng giao dịch giữa Vietinbank và An Lộc chưa phát sinh hiệu lực?”, luật sư chất vấn.

Luật sư cũng khẳng định việc An Lộc chuyển tiền và Vietinbank trả lãi thì cả hai bên đều nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Viện dẫn thêm cho phần bào chữa của mình, luật sư đã trích dẫn điều 618 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Do đó Vietinbank trả cho An Lộc số tiền là 184 tỷ đồng cả gốc và lãi”, luật sư kiến nghị.

Công Quang – Trung Kiên  

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước