Vụ Huyền Như: Các luật sư "gai góc" trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Bá Thanh
(Dân trí) - Phiên xử ngày 15/1 vụ án "siêu lừa" Huyền Như dành trọn thời gian cho các luật sư bào chữa cho một số bị cáo, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại, nguyên đơn dân sự.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Giá vàng giảm mạnh nhất 10 ngày Viện Kiểm sát… có quyền gì trong phá sản DN Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lập kỷ lục mới Hạ viện Mỹ phê chuẩn dự luật chi tiêu ngân sách 1.100 tỷ USD |
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM) đã yêu cầu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank có trách nhiệm bồi thường cho SBBS số tiền 210 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt trong vụ án này.
Theo cáo trạng thì Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của giám đốc và phó giám đốc chi nhánh này để huy động 245 tỷ đồng của SBBS.
Để chiếm đoạt số tiền trên từ SBBS, Huyền Như đã yêu cầu đối tác mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TPHCM. Tuy nhiên, SBBS mới kết chuyển cho Vietinbank được 210 tỷ đồng. Khi tiền vào tài khoản ngân hàng, Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình đã làm lệnh chi giả để chuyển tiền trả cho những tổ chức, cá nhân đã vay trước đó. Đến nay Như còn chiếm đoạt của SBBS số tiền 210 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho biết, cáo trạng cho rằng công ty SBBS đã bị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối ký 14 hợp đồng giả để chiếm đoạt 210 tỷ đồng là chưa hợp lý. Cáo trạng chưa đi sâu vào phân tích để xác định chủ thể dân sự trong vụ án này là Vietinbank hay Huyền Như.
Luật sư Tâm cho rằng SBBS mở tài khoản hoàn toàn hợp lý, có chữ ký của lãnh đạo Vietinbank, giấy mở tài khoản là hồ sơ gốc. Tài khoản được mở hợp pháp thì phát sinh giá trị thực hiện giữa Công ty SBBS và Vietinbank chi nhánh TPHCM. Tuy nhiên, chính vì Vietinbank không kiểm soát lệnh thanh toán, không lập đúng thủ tục quy định mà công ty SBBS đã ký với Vietinbank, không gửi kịp thời giấy báo nợ, giấy báo có, số dư tài khoản theo cam kết với công ty SBBS.
"Như vậy Vietinbank đã hoàn toàn có lỗi trong khâu quản lý, giám sát việc sự dụng của Công ty SBBS nên họ phải chịu trách nhiệm trả lại cho SBBS số tiền 210 tỷ đồng cùng lãi suất", luật sư Tâm cho biết.
Luật sư Tâm cho rằng, trong vụ án này, Huyền Như lừa cả lãnh đạo Vietinbank. Căn cứ theo khoản 1, Điều 52 Luật tố tụng hình sự thì Công ty SBBS không phải là tổ chức bị thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.
Hành vi giả chứ ký của chủ tài khoản, làm con dấu giả của công ty SBBS để chuyển tiền rồi chiếm đoạt khi tiền của SBBS đã thuộc sự quản lý của Vietinbank. Điều này chứng tỏ Huyền Như đã lừa Vietinbank.
“Nếu Vietinbank TPHCM không bị Huyền Như lừa thì SBBS không mất tiền. Vì vậy, Công ty SBBS không phải là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội của Huyền Như. Do không phải nguyên đơn nhân sự nên SBBS không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường mà là Vietinbank mới có trách nhiệm bồi thường số tiền thất thoát này”, luật sư Tâm khẳng định.
14h chiều 15/1, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như cùng đồng bọn tiếp tục diễn ra. Mở đầu phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), luật sư Lưu Văn Tám - Đoàn luật sư TP.HCM
Luật sư (LS) Tám khẳng định, trong quá trình tham gia tố tụng, từ khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Ngân hàng ACB luôn luôn có quan điểm là yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền là 718,908 tỷ đồng gốc và lãi phát sinh; đồng thời khẳng định Ngân hàng ACB không đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như. Tại tòa, Ngân hàng ACB đã cung cấp những tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh cho yêu cầu chính đáng của mình.
Ngay sau phần trình bày “mở màn” phiên xét xử chiều 15/1, của LS Tám, lúc 14h15 cùng ngày ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã vào TAND TPHCM để tham dự phiên tòa.
Trở lại với phần trình bày của LS Lưu Văn Tám bảo vệ quyền và lợi ích cho ngân hàng ACB đã nêu nhiều căn cứ cho rằng, quan điểm của VKS về việc Vietinbank không có trách nhiệm với khoản tiền Huyền Như chiếm đoạt là không có cơ sở.
LS Tám trình bày, trên thực tế, có thể Huyền Như là người huy động vốn, người môi giới tiền gửi, nhưng giữa Vietinbank và các nhân viên ACB có ký 32 Hợp đồng tiền gửi mà đại diện là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, đều là Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM. Như vậy, quan hệ giữa các cá nhân ACB với Ngân hàng Công thương là quan hệ hợp đồng tiền gửi. Các hợp đồng này, cho dù được ký tại nhà khách hàng, ký ngoài quán cà phê, hay tại trụ sở Vietinbank thì cũng không làm thay đổi bản chất của Hợp đồng tiền gửi và cũng không làm cho Hợp đồng này vô hiệu.
Cũng theo LS Lưu Văn Tám, nếu Vietinbank không có trách nhiệm với các hợp đồng tiền gửi hợp pháp này, tại sao cơ quan công tố lại phải kiến nghị khởi tố ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương vì cho rằng các ông bà ấy có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Lúc 16h30, ông Nguyễn Bá Thanh đã rời khỏi phiên tòa bằng cửa sau của TAND TPHCM, chiếc xe ô tô biển xanh đã đậu sát cửa để ông Thanh bước lên, cũng như khi đến, Trưởng Ban Nội chính Trung ương lặng lẽ rời theo cổng sau hướng ra đường Nguyễn Du (Q.1).
30 phút sau đó, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như kết thúc ngày làm việc, Chủ tọa phiên tòa cũng đưa ra dự kiến ngày công việc ngày 16/1, theo đó, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bảo vệ của luật sư cho các bị hại là cá nhân và đối đáp của đại diện Vietinbank.