1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vietcombank rao bán hơn 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines

(Dân trí) - Vietcombank đăng ký bán hơn 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn. Nếu bán thành công, Vietcombank sẽ giảm sở hữu tại Vietnam Airlines từ 17,1 triệu cổ phiếu xuống còn 14,8 triệu cổ phiếu.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) vừa đăng ký bán 2.305.719 cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Mục đích thực hiện giao dịch, theo lý giải từ Vietcombank, là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phương thức thực hiện giao dịch là khớp lệnh trên sàn. Thời gian thực hiện giao dịch là từ ngày 12/3/2019 đến ngày 10/4/2019.

Cách đây gần 1 năm, Vietcombank cũng từng bán ra 7,6 triệu cổ phiếu HVN để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Đến tháng 6/2018, Vietcombank lại mua vào 2,3 triệu cổ phiếu trong đợt bán ưu đãi cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là số cổ phiếu được mua theo 14,8 triệu quyền mua, tỷ lệ 15,57% mà Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức bán đấu giá trước đó.

Như vậy, nếu bán thành công, Vietcombank sẽ giảm sở hữu tại Vietnam Airlines từ 17,1 triệu cổ phiếu xuống còn 14,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,206% xuống 1,044%.

Vietcombank.jpg

Vietcombank đăng ký bán hơn 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn. Nếu bán thành công, Vietcombank sẽ giảm sở hữu tại Vietnam Airlines từ 17,1 triệu cổ phiếu xuống còn 14,8 triệu cổ phiếu.

 

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, giá cổ phiếu HVN ở mức 42.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa này, ước tính Vietcombank có thể thu về gần gần 100 tỷ đồng từ đợt đấu giá trên.

Thời gian qua, Vietcombank liên tục có những vụ thoái vốn lớn tại một số ngân hàng. Vào tháng 11/2018, Vietcombank đã bán 23,7 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Và từ ngày 3/12 đến ngày 7/12, Vietcombank bán thêm 19,39 triệu cổ phiếu MBB, qua đó không còn là cổ đông lớn của MB.

Cùng khoảng thời gian này, Vietcombank cũng đã hạ tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn. Thương vụ thoái vốn tại 2 ngân hàng trên ước tính đã đem về cho Vietcombank khoảng 900 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định sửa đổi mức vốn điều lệ tại Điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động số 138 cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam như sau: "Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam là 37.088.774.480.000 đồng (Ba mươi bảy nghìn, không trăm tám mươi tám tỷ, bảy trăm bảy tư triệu, bốn trăm tám mươi nghìn đồng)".

Theo đó, NHNN yêu cầu Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng đối với nội dung sửa đổi nêu trên.

Hồi cuối tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nhà đầu tư Mizuho mua cổ phần của Vietcombank để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ, bên cạnh việc nhà đầu tư khác là GIC đến từ Singapore mua 2,55% cổ phần của nhà băng này, qua đó giúp Vietcombank tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ. Được biết thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018 và đối tác cũng chuyển tiền xong cho Vietcombank trước ngày 4/1.

Ngày 26/4 tới đây, Vietcombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019. Một trong những nội dung đáng chú ý là ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn bởi kế hoạch phát hành vốn cho đối tác ngoại mới thực hiện được 1/3 trong tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.

An Hạ

bannerchan-bai-1520499512777326906926-15389023313932091006234.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm