Vietcombank, MB sở hữu 100% vốn điều lệ CBBank và OceanBank

Thảo Thu

(Dân trí) - CBBank và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CBBank) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Long An.

Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. 

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Dưới sự quản lý của Vietcombank và MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CBBank cùng OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Vietcombank, MB được đánh giá là ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để Vietcombank, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Vietcombank, MB sở hữu 100% vốn điều lệ CBBank và OceanBank - 1

Quang cảnh lễ công bố (Ảnh: VPG).

Trước đó, chiều nay (17/10), tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III diễn ra, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cũng thông tin một ngân hàng nữa sẽ được chuyển giao trong thời gian tới. Ngoài Oceanbank và CBBank, hiện còn một ngân hàng 0 đồng khác là GPBank và 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước), cho biết mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn.

Tại họp đại hội cổ đông thường niên các năm gần đây, lãnh đạo của MB và Vietcombank từng nhiều lần chia sẻ về kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng. 

Theo lãnh đạo MB, nếu tái cơ cấu không thành công, ngân hàng nhận chuyển giao không thể trả lại ngân hàng 0 đồng cho Nhà nước, nhưng có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số. Còn nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng 0 đồng có thể sáp nhập vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Oceanbank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Sau khi được ông Hà Văn Thắm tham gia mua lại cổ phần, ngân hàng chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng Đại Dương vào năm 2007. Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng và VietinBank hỗ trợ quản trị.

Còn CBBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Rạch Kiến, được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi là Đại Tín (TrustBank). Năm 2013, ngân hàng tái cấu trúc, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại đơn vị này với giá 0 đồng, sau đó đổi tên thương hiệu thành CBBank.