Vietcombank lãi bao nhiêu năm 2022?

Thảo Thu

(Dân trí) - Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021, ước đạt hơn 36.700 tỷ đồng. Năm 2021, ngân hàng lãi hơn 26.400 tỷ đồng.

Tại hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 sáng nay (9/1) của Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành - cho biết, năm 2022 ngân hàng đã đạt và vượt tất cả chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Năm 2021, ngân hàng này đạt hơn 26.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, vì thế lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank năm 2022 ước đạt hơn 36.700 tỷ đồng. 

Tổng số dư nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022 là 7.662 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%. Dư quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank là 35.603 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 465% - cao nhất hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại, tương ứng mỗi đồng nợ xấu nội bảng được trích lập hơn 4 đồng dự phòng.

Vietcombank lãi bao nhiêu năm 2022? - 1

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022. Năm 2022, ngân hàng này (Ảnh: VCB).

Về kế hoạch đặt ra năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank không đặt ra con số cụ thể mà đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12,8%, nợ xấu dưới 1,5% và lãi trước thuế tăng ít nhất 12%. 

 

Phó thống đốc: Cần xem xét các khoản vay tiềm ẩn nhiều rủi ro

Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú ghi nhận Vietcombank đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch tài chính. Một số điểm đặc biệt có thể kể đến tăng vốn điều lệ hoặc chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng. 

Theo ông, hoạt động của hệ thống ngân hàng có thể phải tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Theo Phó thống đốc, đó là nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay, áp lực cung ứng vốn lớn. "Nhất là thị trường trái phiếu khó khăn, chứng khoán lúc lên, lúc xuống, đầu tư công giải ngân chậm, tỷ lệ tín dụng trên GDP cao, nguồn vốn xử lý nợ xấu còn hạn chế, vốn điều lệ của ngân hàng Nhà nước tăng chậm hơn ngân hàng cổ phần…", ông nói và cho rằng, nợ xấu còn tiềm ẩn rủi ro, tập trung ở các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ông cũng lưu ý hoạt động tín dụng của ngân hàng cần xem xét các khoản vay có tính tập trung tín dụng ở một số tập đoàn còn quá lớn, trái phiếu doanh nghiệp ở các dự án BT, bất động sản tương đối cao.

Phó Thống đốc nhận định năm vừa rồi, Vietcombank là một trong những ngân hàng đã chia sẻ nhiều lợi nhuận để giúp doanh nghiệp, người dân bớt khó khăn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh song song hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vẫn phải đảm bảo cho an toàn hệ thống ngân hàng để môi trường ổn định, lành mạnh, toàn ngành kinh doanh thuận lợi. "Chỉ một ngân hàng hoạt động không tốt có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành. Trường hợp của SCB trong năm vừa rồi là một ví dụ", ông nói.

Về chỉ tiêu tín dụng năm tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn đang tính toán để đưa ra con số phù hợp, làm sao vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo nhu cầu vốn. "Nếu không kinh tế lại rơi vào trầm lắng, trì trệ", ông nói.