Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Mỹ
(Dân trí) - Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư Mỹ, vượt xa Indonesia và Thái Lan.
Đây là kết quả cuộc khảo sát do Phòng thương mại Mỹ và chi nhánh tại Singapore phối hợp thực hiện với đối tượng là các lãnh đạo các công ty của Mỹ đang làm ăn tại khu vực Đông Nam Á. Với tỷ lệ 57% doanh nghiệp Mỹ trong khu vực được khảo sát khẳng định sẵn sàng đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á với các nhà đầu tư Mỹ.
Trong khi đó, trong số hơn 350 lãnh đạo các công ty, tập đoàn của Mỹ được khảo sát, chỉ có 6% khẳng định muốn mở rộng sản xuất tại Indonesia. Tỷ lệ này ở Thái Lan cũng chỉ dừng lại ở 11%. Đây được xem là kết quả đầy bất ngờ với giới quan sát, những người từ lâu vẫn chỉ chú ý tới các thị trường như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Một thông tin bất ngờ nữa mà khảo sát này thu được đó là trong số các doanh nghiệp của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam có đến 82% tin tưởng lợi nhuận của mình sẽ tăng trong năm tới. Bên cạnh đó hơn 50% đã có kế hoạch tuyển thêm nhân công.
“Kết quả này là dấu hiệu cho thấy niềm tin của một số công ty đối với Việt Nam vẫn tích cực bất chấp sự chậm lại đáng kể của tốc độ tăng trưởng GDP trong một vài năm gần đây, cũng như những dấu hiệu bất ổn về kinh tế vĩ mô khác như đồng nội tệ liên tục mất giá và tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng”, bài viết trên tạp chí uy tín Wall Street Journal của Mỹ nhận định.
Dù vậy tác giả cũng khuyến cáo rằng “các nhà phân tích đã tranh luận rất nhiều rằng Việt Nam cần có những cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh, nếu muốn thu hút thêm những đợt vốn đầu tư nước ngoài lớn.
Bên cạnh đó kết quả cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam vẫn khá hoài nghi vào quyết tâm ngăn chặn tham nhũng của chính quyền khi 77% các chủ doanh nghiệp được hỏi khẳng định việc phải đưa hối lộ và tiền lại quả vẫn là một mối lo. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có 2 quốc gia có tỷ lệ này cao hơn Việt Nam là Campuchia (81%) và Indonesia (87%).
Cuộc điều tra không lí giải vì sao các doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam ngay cả khi họ lo ngại về nạn tham nhũng và các vấn đề khác. Tuy nhiên rõ ràng quốc gia này vẫn đem đến một sức hút nào đó với các nhà đầu tư phương Tây, bất chấp những vấn đề kinh tế thời gian qua.
Theo tác giả bài báo thì có lẽ quy mô dân số với khoảng 91 triệu người và nguồn lao động vẫn khá rẻ là những sức hút lớn của Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài đang đặt cược vào khả năng Việt Nam sẽ vượt qua được các vấn đề kinh tế.
Một số nhà kinh tế thì cho rằng việc thắt chặt tín dụng, kiểm soát lạm phát đã giúp kinh tế Việt Nam có được vị thế thuận lợi để sẵn sàng bật dậy một khi kinh tế thế giới phục hồi sau đợt suy giảm hiện nay. Tuy nhiên khả điều này vẫn cần thời gian kiểm chứng.
“Một yếu tố khác khiến các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy được chào đón ở Việt Nam hơn trước có thể là sự cải thiện không ngừng trong mỗi quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mỹ”, bài báo nhận định.
Ngoài sự hào hứng với thị trường Việt Nam, cuộc khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm đến thị trường Myanmar. Có tới hơn 53% số công ty được hỏi đang có kế hoạch xúc tiến xuất khẩu vào thị trường này và khoảng 52% cho biết có ý định đầu tư vào đây.
Cuối cùng, kết quả điều tra cũng cho thấy Đông Nam Á đang ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ. 21% người được hỏi khẳng định đang có kế hoạch rút vốn khỏi Trung Quốc để đầu tư vào các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với mức 15% trong năm 2011.
Thanh Tùng
Theo WSJ