1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam “tiết kiệm” trên 12 tỷ USD nhờ cơ cấu lại nợ

(Dân trí) - Thời kỳ 1993-2013, Việt Nam được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD và đã giải ngân được 37,6 tỷ USD. Việc thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài đã giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, việc hiện thực hóa nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 1993 đến nay cho thấy công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, nhờ việc thực hiện có kết quả các giải pháp cơ cấu lại, xử lý các khoản nợ nước ngoài cũng như trong việc khai thông quan hệ tài chính, tín dụng với nước ngoài, thời kỳ 1993-2013, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 78,19 tỷ USD. Trong đó, số đã đàm phán, ký kết các hiệp định tài trợ là 58,36 tỷ USD và đã giải ngân được 37,6 tỷ USD.

Việt Nam “tiết kiệm” trên 12 tỷ USD nhờ cơ cấu lại nợ
Hoạt động phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần tăng tỉ lệ giải ngân

Giải ngân ODA tăng 10% trong 9 tháng/2014

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  

APEC 2015 sẽ thông qua giảm thuế 54 mặt hàng

* Kiểm tra đột xuất, lập biên bản vi phạm nhiều “taxi” Uber

* Phát giác hàng loạt cá nhân "nhúng tay" hòng trục lợi từ cổ phiếu

* Căng thẳng chính trị khiến đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm

* “Mai tặc” lộng hành dịp giáp Tết

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn vốn này đã trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các lĩnh vực tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD, qua đó, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước để tập trung vốn cho việc đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục đào tạo; tăng cường năng lực và thể chế trong các lĩnh vực cải cách hành chính, luật pháp, quản lý kinh tế và bảo vệ môi trường...

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt 3,519 tỷ USD (trong đó, vốn vay là 3,459 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 60 triệu USD), bằng 76% so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị giải ngân lại cao hơn 10% so với mức giải ngân của cùng kỳ, ước đạt 4,105 tỷ USD.

Tốc độ giải ngân đạt được kết quả trên là do tác động của một số biện pháp tăng cường công tác vận động, giải ngân và phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, một số chương trình, dự án có giá trị vốn vay ODA lớn, được ký kết như Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC 2) trị giá 147,60 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án xây dựng nhà máy điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải trị giá 358,11 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ tổng giá trị là 251,7 triệu USD...

Cần khoảng 1.345 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển năm 2015

Trong năm 2015, Chính phủ dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư phát triển khoảng 1.345 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% GDP.

Trong đó, dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 195 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 85 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 135 nghìn tỷ đồng; nguồn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 565 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Và các nguồn vốn khác dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Theo đánh giá của Bộ tài chính, về tổng thể, việc thực hiện và giải ngân vốn ODA những năm qua vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn do mức độ giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương, chỉ tập trung ở các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, năng lượng điện, thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những kết quả đạt được thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải tích cực hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”