1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam thâm hụt thương mại với hầu hết các đối tác trong RCEP

An Linh

(Dân trí) - Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong số các đối tác ở RCEP, Việt Nam thâm hụt thương mại gần hết với đối tác lớn, trong đó thâm hụt nặng nề nhất với Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.

Theo số liệu từ năm 2017 đến nay, trong 5 đối tác thương mại của RCEP ngoài ASEAN, Việt Nam có thâm hụt thương mại nặng với hai nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, còn New Zealand, Nhật và Úc, Việt Nam có thương mại cân bằng, có năm xuất siêu, có năm nhập siêu nhẹ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD.

Việt Nam thâm hụt thương mại với hầu hết các đối tác trong RCEP - 1

Việt Nam đang thâm hụt thương mại lớn đối với nhiều đối tác kinh tế quan trọng của RCEP, để gia tăng vị thế, cần cải cách mạnh mẽ chất lượng hàng hóa, chuyển đổi nhanh nền kinh tế

Tổng kim ngạch thương mại mà Việt Nam thâm hụt từ các nước ASEAN và 5 nước đối tác 10 tháng năm 2020 là 55,5 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc, Việt Nam thâm hụt nặng nhất hơn 27,7 tỷ USD, Hàn Quốc hơn 21 tỷ USD.

Đối với thương mại đối với 10 nước ASEAN, 10 tháng qua Việt Nam thâm hụt khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó Thái Lan là đối tác Việt Nam chịu thâm hụt thương mại nặng nhất 4,8 tỷ USD, Indonesia là 2 tỷ USD.

Đáng lo là, Việt Nam có sự thâm hụt thương mại với nhiều nước và diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Việc cải thiện thâm hụt thương mại bằng khả năng xuất khẩu trở lại với các thị trường dường như rất chậm.

Cụ thể, năm 2019 thâm hụt thương mại Việt Nam với các đối tác RCEP là 68,4 tỷ USD, tăng khoảng 8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.

Việt Nam chủ yếu thâm hụt thương mại nặng nề với các đối tác ngoài ASEAN, theo thống kê 5 đối tác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc đã khiến Việt Nam thâm hụt thương mại 61,4 tỷ USD năm 2019, 53,5 tỷ USD năm 2018 và 55,3 tỷ USD năm 2017.

Đáng nói, tỷ lệ tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với các nền kinh tế RCEP. Cụ thể, từ năm 2019 trở về trước, bình quân kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đối với 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand là trên 10 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ bình quân 2,6 tỷ USD.

Tốc độ gia tăng hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn cao, bình quân tăng 10 tỷ USD mỗi năm, trong khi hàng Việt xuất sang thị trường này chỉ tăng từ 2-6 tỷ USD/năm.

Như vậy, nếu các cam kết của khuôn khổ Hiệp định RCEP được thực thi như các nước mở cửa thị trường, chấp nhận quy tắc xuất xứ nhiều hàng hóa là nguyên liệu, vật liệu, nhiều khả năng Việt Nam sẽ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng nói trên và hệ quả sẽ nhập siêu lớn từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan...

Trong khi đó, với một thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng của RCEP, trong đó có các nền kinh tế có sức tiêu dùng lớn như Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân,Nhật 126 triệu dân, Hàn Quốc hơn 52 triệu dân... đều là những quốc gia có tỷ suất tiêu dùng hàng hóa cao, đặc biệt là thực phẩm, thủy sản, đồ may mặc - những thế mạnh của Việt Nam.

Để gia tăng lợi thế của kinh tế Việt Nam trong cạnh tranh nội khối, hàng hóa Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện chất lượng, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn môi trường, sức khỏe người tiêu dùng để xâm nhập vào các thị trường trọng điểm, sức mua lớn một cách dễ dàng hơn .