Việt Nam sắp có giống lúa giá trị 800 USD/tấn

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT đang đặt các viện nghiên cứu những giống lúa có giá trị cao, năng suất ổn định, trong đó có loại giá trị lên tới 800 USD/tấn. Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ để thúc đẩy kinh doanh lúa gạo bền vững, có khả năng cạnh tranh.

Xem Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời về các giải pháp kinh doanh lúa gạo bền vững
 
Chiều nay 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn sẽ xoay quanh 3 vấn đề chính của ngành nông nghiệp là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi đất trồng lúa và chính sách tạm trữ lúa gạo; Quản lý vật tư nông nghiệp, phân bón.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chính sách tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ nông dân sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Đó chỉ là giải pháp tình thế”.

“Có đại biểu hỏi, tại sao chúng ta lại cứ phải sử dụng giải pháp tình thế? Không phải năm nào cũng sử dụng giải pháp này, chỉ khi nào người trồng lúa không đảm bảo có lãi 30% như mục tiêu đề ra thì mới sử dụng để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu. Giải pháp này đã thành công trong vụ hè thu vừa qua, có lúc mức giá hỗ trợ lên tới 800 đồng/kg lúa”, Bộ trưởng nói.

Đề cập tới vai trò chủ động của Bộ NN&PTNT trong việc phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về giống. Những năm qua, Bộ đã giúp người nông dân chọn 102 giống lúa được phổ biến.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, 102 giống lúa đối với đồng ruộng của Việt Nam là “quá nhiều”. Do đó, Bộ trưởng đã đặt các viện nghiên cứu những giống lúa có giá trị cao, năng suất ổn định, có loại hứa hẹn đem lại giá trị 800 USD/tấn.

“Chúng ta có lợi thế về lúa nước nhưng không có nghĩa trồng lúa ở mọi nơi mà nên tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Những vùng ven đất cát, miền Trung, phải bơm nước thì không nên. Hiện tại, Thủ tướng cũng đã ký ban hành hướng dẫn nhân dân chuyển đổi đất lúa”, Bộ trưởng cho biết.

Cùng với việc hỗ trợ người nông dân chuyển đổi đất lúa, Bộ Nông nghiệp tiếp tục các hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa, hỗ trợ nông dân mua máy móc, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp; thúc đẩy kinh doanh lúa gạo bền vững, có khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phải triển khai xây dựng giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát qui hoạch vùng trồng lúa.

Nói về việc giá cà phê ở Tây Nguyên đang xuống thấp, thương lái ép giá, người nông dân chịu lỗ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã ký văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ mặt thị trường để chống suy giảm giá, đặc biệt là việc hỗ trợ bà con có thể lưu trữ cà phê để bán vào thời điểm thích hợp.

Có tỉnh chỉ có 1 thanh tra về nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát cho biết, hiện bình quân cả nước, 1 tỉnh có 8-9 thanh tra về nông nghiệp nhưng có tỉnh chỉ có 1 thanh tra.

Đề cập tới thực trạng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng…lỏng lẻo gây thiệt hại cho người nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Qua kiểm tra, Bộ đã nhận trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, thậm chí có loại làm giả, buôn lậu ngoài danh mục. Do đó, vài năm trở lại đây, ngành NN&PTNN xác định trong toàn ngành quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm số 1.

Về bộ máy quản lý chất lượng vật tư, Bộ trưởng cho biết, hiện ở một số địa phương, thanh tra sở NN&PTNT rất yếu. Ví dụ như tại Sở Nông nghiệp Bắc Cạn chỉ có 1 người làm thanh tra, Bắc Giang có 2 người trong khi bình quân cả nước 1 tỉnh có 8 - 9 người. “Nguyên nhân là do theo luật hiện nay chỉ công chức mới được thanh tra trong khi hệ thống thú y chủ yếu là viên chức”, Bộ trưởng nêu lên lý do của sự tồn tại khập khiễng đó.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước