Việt Nam nhận khoảng 5 tỷ USD vốn ODA trong năm 2014

(Dân trí) - Giá trị ký kết gần 11 tháng đầu năm 2014 chưa cao, chỉ bằng chưa tới 70% cùng kỳ 2013, do nhiều chương trình, dự án của một số nhà tài trợ như ADB, Nhật Bản... dự kiến đàm phán ký kết vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 11 tháng/2014 chỉ bằng chưa tới 70% cùng kỳ năm 2013
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 11 tháng/2014 chỉ bằng chưa tới 70% cùng kỳ năm 2013

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Giá dầu xuống thấp, PV Gas cầu cứu PVN

* Khởi tố thêm 6 đồng phạm của cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng

* 10.000 tấn thịt trâu nhập khẩu đi đâu?

* Giá xăng tiếp tục giảm 320 đồng/lít, xuống dưới 20.000 đồng/lít

* Phụ nữ Việt "sánh ngang" đấng mày râu về lương

* Hiệp hội taxi TPHCM kiến nghị chấm dứt hoạt động của Uber

Theo số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 (tính đến ngày 12/11/2014) đạt hơn 4 tỷ USD (trong đó bao gồm 3,96 tỷ USD ODA và vốn vay ưu đãi, 60 triệu USD ODA viện trợ không hoàn lại), bằng 69,38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá trị ký kết gần 11 tháng đầu năm 2014 chưa cao do nhiều chương trình, dự án của một số nhà tài trợ như ADB, Nhật Bản... dự kiến đàm phán ký kết vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015. 

Trong các lĩnh vực nhận được vốn ODA thì những lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng tập trung nhiều nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong khi các lĩnh vực khác như nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, năng lượng, y tế, giáo dục và đào tạo, thể chế,…chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết của cả năm 2014 ước đạt 5 tỷ USD, bằng 76,91% so với mức của năm 2013. Trước đó, tổng vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ trong năm 2013 đạt hơn 6,5 tỷ USD (ODA vốn vay và nguồn vốn vay ưu đãi xấp xỉ 6,14 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại đạt 366 triệu USD).

Trong khi đó, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn vay khoảng 4,84 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại khoảng 116 triệu USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương chưa thực sự đồng đều. Các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn có tiến độ thực hiện tốt hơn nhiều so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội. Tương tự, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước.  

Về những tồn tại, thách thức trong công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vấn đề lớn nhất vẫn là chậm giải phóng mặt bằng dẫn tới đình trệ trong thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án làm phát sinh chi phí và kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài ra, việc thiếu vốn đối ứng đối với các dự án đầu tư xây dựng vẫn phổ biến, mặc dù Chính phủ đã huy động tối đa các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn trái phiếu để bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Các vấn đề còn lại là năng lực nhà thầu hạn chế, năng lực của các Ban Quản lý dự án yếu, thiếu chuyên nghiệp.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”