1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Việt Nam “máu me” mở cửa: Đừng để như “gió lùa nhà trống”

(Dân trí) - “Một ngôi nhà có nhiều cửa thì bản thân ngôi nhà đó phải đủ rộng. Việt Nam muốn mở cửa, muốn tận dụng cơ hội phát triển thì cũng cần phải có các chính sách cần thiết, đảm bảo mục tiêu phát triển trong dài hạn”, chuyên gia nói.

Việt Nam máu me mở cửa

Việt Nam "máu me" mở cửa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt các FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU...

Theo đánh giá của Trung tâm WTO thuộc VCCI tại buổi toạ đàm sáng 28/5, các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí là cấm Chính phủ được thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia nghiên cứu Dự án NDS-ActionAid cho biết: “Thống kê chưa chính thức là hiện nay Việt Nam đang có khoảng 62 đối tác FTA. Có thể  nói Việt Nam rất máu me mở cửa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra câu hỏi là chúng ta mở cửa cho nước ngoài và nước ngoài mở cửa cho chúng ta sẽ ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu phát triển của Việt Nam?” 

Ông Dương cũng cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ các FTA mang lại, doanh nghiệp và nhà nước đóng vai trò quyết định chứ không phải là những vấn đề đã được quyết định trên bàn đàm phán. Theo đó, doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp cận thông tin và Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi phù hợp.

“Một ngôi nhà có nhiều cửa thì bản thân ngôi nhà đó phải đủ rộng. Việt Nam muốn mở cửa, muốn tận dụng cơ hội phát triển thì cũng cần phải có các chính sách cần thiết, đảm bảo mục tiêu phát triển trong dài hạn”, ông Dương nói. 

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO đánh giá: "Trên thực tế khi thực hiện FTA vẫn còn khoảng trống để các nước đưa ra chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ trong ngành hình như chưa nhiều lắm và nếu có thì cũng hình như chưa hiệu quả lắm.  Trong nhiều trường hợp, với nhiều ngành nhà nước không làm gì, không đặt ra các điều kiện kinh doanh vô lý đã là hỗ trợ doanh nghiệp rồi. Nhiều trường hợp, Nhà nước không những không có biện pháp hỗ trợ mà còn hỗ trợ ngược, ưu đãi doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước".

Bà Trang cho rằng, nếu tham gia các FTA, không gian chính sách liên quan tới công cụ bảo hộ bằng thuế quan đã bị hạn chế đáng kể, do đó ngành nào cũng đòi hỗ trợ bằng thuế quan thì rất khó. Tuy nhiên những biện pháp hỗ trợ khác ngoài thuế quan thì vẫn còn khả năng áp dụng như: xây dựng hàng rào kĩ thuật, vệ sinh thực phẩm hay các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp đối với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo bà Trang, quan trọng là Chính phủ lựa chọn phương pháp nào và áp dụng biện pháp nào để đạt hiệu quả cao nhất. 

Thiếu trợ lực từ Chính phủ

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) cũng thừa nhận: “Nếu hỏi có chính sách hỗ trợ cho ngành của chúng tôi không thì tôi trả lời là có. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu thì chúng tôi cần những chính sách đầy đủ hơn, kể cả chính sách theo thong lệ quốc tế thì cũng cần đặt ra các quy định, chính sách làm sao để đúng với cam kết và phù hợp với những điều chúng ta muốn. Thực tế, rất nhiều chính sách không đặt ra có lẽ tốt hơn hoặc chính sách tốt rồi nhưng khi thực hiện lại “thòng” thêm một số quy định gây tác dụng ngược lại”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thì cho rằng, như đối với ngành bán lẻ thì hầu như không được hỗ trợ. “Nghe thì có vẻ rất sốc nhưng thực tế là thế. Chúng ta có chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến lâm nhưng chưa có chính sách khuyến thương nào. Tổng chương trình khuyến công từ năm 2007 – 2012, Nhà nước chi hơn 400 tỷ đồng để hỗ trợ cho các ngành đó. Những nhà bán lẻ như chúng tôi chỉ mong muốn có một góc của số đó để nâng cao chất lượng của ngành”, bà Loan nói. 

“Nhiều khi hỗ trợ cũng không hiệu quả. Một số chính  sách tốt nhưng chậm đi vào thực tế, hiệu quả không cao. Ví dụ như sau bao ngày xây dựng đề án “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ vui mừng bao nhiêu khi được Thủ tướng phê duyệt thì buồn bấy nhiêu sau khi đi vào thực hiện. Kể từ khi có hiệu lực đến nay đã hơn một năm rồi nhưng hầu như đề án chưa triển khai được nhiều. Trong 4 hoạt động Hiệp hội đề xuất thì mới được một cái đầu tiên nhưng cũng bị cắt gọt đi nhiều, không được như thực tế”, bà Loan nói. 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Nga – một doanh nhân có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Pháp cũng cho rằng: “Nhà nhiều cửa quá nhiều khi cũng không thể sống được vì gió cứ thổi từ cửa này sang cửa kia. Chúng ta hoàn toàn chưa có chuẩn bị để làm 1 cái nhà đón mọi luồng gió. Nếu không thể theo kịp các nước khác thì phải tìm một con đường tắt, bằng giáo dục, bằng thuê chuyên gia…”

Theo bà Nguyễn Nga, khi mở cửa hội nhập, các rào cản về thuế quan chỉ là một phần rất nhỏ, nếu cứ nhìn vào thì không bao giờ phát triển được. “Pháp bảo hộ ngành ô tô rất mạnh, do đó để ngăn ô tô Nhật ồ ạt xâm nhập, Pháp ra một quota nhất định cho xe Nhật. Vì chỉ có một quota nhất định nên người Nhật chỉ đầu tư tập trung vào một số dòng xe nhất định mà Pháp không làm được. Do đó, người tiêu dùng vẫn mua xe Nhật dù đắt hơn so với xe Pháp. Chúng ta phải có định hướng của Chính phủ và đi vào hướng chuyên biệt nhất, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh nhất”, bà Nga nói.

Phương Dung 
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”