Việt Nam là nền kinh tế mở nhất ASEAN sau Singapore

(Dân trí) - “Việt Nam rất dễ trở thành nơi hấp dẫn nhất ASEAN nhờ chủ động hội nhập sâu và rộng vào kinh tế toàn cầu và những áp lực bắt buộc cải cách nhanh chóng về thể chế kinh tế trong nước...”

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ nhận định tại Hội thảo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội.

Ts Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Ts Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo TS Thành, mở cửa nhanh, hội nhập sâu làm cho thị trường và các chính sách của Việt Nam trở nên minh bạch hơn. Chính vì điều này, đã và đang đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất khu vực. Minh chứng là giá trị xuất nhập khẩu của nền kinh tế ngày càng lớn.
 
Việc gia nhập sân chơi lớn, cho thấy định hướng và chủ trương của Việt Nam đang rất cầu thị thay đổi và muốn làm bạn và đối tác với tất cả các nền kinh tế thế giới.

Mở cửa không chỉ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để rút ngắn khoảng cách với các nước trong và ngoài khu vực mà nó còn tạo thêm rất nhiều cơ hội làm ăn, đầu tư lý tưởng cho các nhà tư bản thế giới.

Ông Thành khẳng định, Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng về hội nhập và chủ động tham gia sân chơi toàn cầu. Các điểm nóng về mở cửa hội nhập trên thế giới, Việt Nam đều tham gia và chủ động mở cửa, giảm thuế và hợp tác đầu tư. Cùng với đó, áp lực cải cách thể chế kinh tế trong nước đang ngày càng nóng lên và Việt Nam đã thay đổi rất nhiều luật về hải quan, thuế, đầu tư lẫn doanh nghiệp… Đây là điểm được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao.

“Thuế quan đối với các hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ, EU, Nga hoặc rất nhiều nước lớn thế giới đã, đang và sẽ rất rẻ. Đây là cơ hội lớn mà các DN nước ngoài nắm bắt để đổ vốn vào Việt Nam, gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, một nền kinh tế năng động và đang chủ động hội nhập, chuyển mình, không có lý nào Việt Nam không là điểm đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia", ông Thành cho biết.

Về độ mở cửa của nền kinh tế, TS Thành khẳng định, trong 10 nước ASEAN, sau Singapore, Việt Nam là nền kinh tế mở nhất. Việt Nam đã và đang ký kết và tham gia đầy đủ các hiệp định thương mại tự do song và đa phương với Mỹ, EU - những đối tác kinh tế hàng đầu thế giới. Ngoài ra trong hơn 200 đối tác thương mại, Việt Nam đã có gần 30 thị trường đạt thành tích xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên.

Trong sân chơi hội nhập với EU, Singapore là nước đầu tiên tham gia ký kết FTA với EU. Vào tháng 10/2014, nước này đã hoàn thành ký kết FTA với EU. Còn Việt Nam đã kết thúc đàm phán chính thức, dự kiến cuối năm 2015 sẽ ký kết. Việt Nam là nước thứ 2 trong ASEAN đã hoàn tất đàm phán, ký kết FTA với EU trong khi Thái Lan, Malaysia vẫn đang đàm phán nhưng gặp nhiều thách thức.

Ở sân chơi với 12 đối tác kinh tế hàng đầu thế giới ở Châu Á - Thái Bình Dương là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia và Brulay tham gia vào TPP.

Nhờ hội nhập tích cực, nhiều thị trường được mở cửa, thuế quan được bãi bỏ nên thương mại Việt Nam không ngừng gia tăng. Việt Nam là nước có nền kinh tế hướng ra xuất khẩu mạnh mẽ nhất ASEAN. 
 
Từ con số vài chục tỷ năm 1991, đến năm  2014 xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt ngưỡng gần 300 tỷ USD và lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, trở thành quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, xuất siêu tới 25 tỷ USD. Thương mại hai chiều giữa  Việt Nam - ASEAN, năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 42,1 tỷ USD, mức tăng trưởng trên 12% .
 
Nhờ mở cửa và cải cách, dòng vốn đầu tư quốc tế, ASEAN vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 1996 -  2012, FDI đăng ký từ ASEAN đạt 41,5 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
 
Tính đến hết năm 2014, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 53 tỷ USD, trong đó đứng đầu là Singapore, Malaysia và Thái Lan. ASEAN là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc và xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ, EU.

Độ mở kinh tế Việt nam còn được minh chứng ở lượng kiều hối gửi về. Tính đến năm 2013, Việt Nam đã nhận được hơn 80 tỷ USD kiều hối. Năm 2014, Việt Nam là nước thứ 9 thế giới và đứng thứ 2 ASEAN (sau Philippines về nhận kiều hối với 11 tỷ USD).

Nguyễn Tuyền