Việt Nam - EU hợp tác chống hàng giả và hàng nhái

(Dân trí) - Ngày 20/3, Chương trình hợp tác về sở hữu trí tuệ EC-ASEAN (ECAP II) và Tổng cục hải quan Việt Nam đã khai mạc hội thảo về “Áp dụng quản lý rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ cho hải quan và công an kinh tế” nhằm tăng cường thực thi sở hữu trí tuệ (IP).

Các cán bộ hải quan và cảnh sát kinh tế khu vực Hà Nội và miền Bắc nước ta đã chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn của mình với các chuyên gia Liên minh Châu Âu (EU), các chuyên gia từ các cơ quan hải quan EU và lĩnh vực tư nhân về các biện pháp hiệu quả chống lại việc làm giả và nhái, với phương châm thúc đẩy thương mại giữa EU và Việt Nam.

 

Trong tình hình hiện nay, mạng lưới sản xuất và thương mại hóa hàng giả phi pháp toàn cầu được tổ chức tinh vi đã trở thành một mối đe dọa vô hình đối với nền kinh tế, danh tiếng, thị trường lao động và khả năng cạnh tranh trong thương mại Việt Nam.

 

Làm  hàng  giả đang được toàn cầu hóa là một sự đe dọa đối với thương mại thế giới. Tại biên giới của EU, việc tịch biên 130 triệu đơn vị hàng giả và hàng nhái trong năm 2004 tăng hơn 12% so với 2003 và gần 1000% so với 1998. Nạn làm giả và nhái tác động tới mọi khía cạnh kinh doanh.

 

Những đóng góp của các đại biểu tại hội thảo cho thấy, việc gian lận này không chỉ giới hạn trong các sản phẩm xa xỉ mà còn mở rộng sang nhiều dòng sản phẩm tiêu dùng khác. “Việc làm giả và làm nhái ngày càng hiện hữu trong đồ chơi cho trẻ em, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống, điều này tạo thành một mối nguy hiểm thực sự đối với khách hàng”- Tiến sĩ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam Markus Cornaro nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc của mình.

 

Khối lượng thực phẩm giả bị thu dữ tại biên giới của EU đã tăng 200% từ 1,5 triệu trong năm 2003 lên 4,5 triệu đơn vị năm 2004. Các hàng hóa bị thu dữ bao gồm: kẹo, bánh kem xốp, kẹo cao su và thậm chí là táo.

 

Hàng điện tử và máy tính giả thu được cũng tăng rất lớn tới 700% trong cùng thời kỳ. Trong khi đó hàng xa xỉ chỉ chiếm dưới 1% tổng hàng hóa bị thu. Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2003 dự tính giá trị hàng giả và hàng nhái hàng năm lên tới 450 tỉ Euro.

 

Lợi nhuận cao, khả năng bị xử phạt thấp cộng với sự sẵn có các trang thiết bị sản xuất hiện đại đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp hàng giả quy mô lớn. Nạn làm hàng giả gây tổn thất lớn cho doanh thu về thuế của chính phủ bởi vì chúng hoạt động hoàn toàn trong thị trường ngầm.

 

ECAP II là sáng kiến do EU tài trợ. Với tổng ngân sách 9 triệu euro, ECAP II có  văn phòng khu vực tại Thái Lan. ECAP II hợp tác với cục sở hữu  trí tuệ của Brunei, Cambodia, Indonesia, Lao, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ với phương châm thúc đẩy trao đổi thương mại và kiến thức EU-ASEAN. Việt Nam là nước nhận được hợp phần lớn nhất trong dự án này, với số tiền tài trợ là 1,5 triệu Euro.

 

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm