Bộ trưởng Tài chính:
Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để xây trung tâm tài chính quốc tế
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và định vị vai trò, vị trí trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Nội dung trên được ông Nguyễn Văn Thắng nêu tại hội nghị Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam chiều ngày 28/3 tại TPHCM.
Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thế giới đang trải qua giai đoạn đầy biến động với căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu... khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng chuyển dịch.
Các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực cũng không ngừng tái cấu trúc để thích ứng, mở rộng vai trò từ cung cấp dịch vụ truyền thống đến tiên phong trong đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính, tài chính xanh và các sản phẩm chuyên biệt.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: BTC).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và định vị vai trò, vị trí trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh việc phát triển trung tâm tài chính được xác định là một trong những mũi nhọn chiến lược giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam cần chuẩn bị gì để phát triển trung tâm tài chính?
Trong phần thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển trung tâm tài chính trên thế giới, ông Rich McClellan, nguyên Giám đốc quốc gia Việt Nam của Viện Nghiên cứu Tony Blair, cho rằng Việt Nam cần tận dụng thế mạnh khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, vị trí địa chính trị, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm.
Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk, cho rằng một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện trung tâm tài chính ở Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành trung tâm tài chính, cần có cơ chế điều khiển các dòng tiền tự do.
TS Kuang Qu, Giám đốc Chiến lược phát triển bền vững, Ngân hàng Trung Quốc, nhắc đến khu vực Khu thương mại tự do Thượng Hải có một số cơ chế cởi mở hơn, để giúp giao dịch quốc tế một cách dễ dàng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng để gợi mở cho Việt Nam.
Trao đổi thêm tại phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế. Khác với mô hình truyền thống, Việt Nam sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại như fintech, blockchain, tài chính xanh, Thứ trưởng Ngọc chia sẻ.
4 lợi thế để TPHCM xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính không chỉ giúp thu hút dòng vốn lớn mà còn đóng vai trò động lực chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Làm rõ tiềm năng của TPHCM trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính, ông Được chỉ ra bốn lợi thế chiến lược quan trọng.
Thứ nhất, TPHCM có nền kinh tế năng động và hội nhập sâu rộng. Hiện nay, thành phố đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây cũng là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: BTC).
Lợi thế thứ 2 đến từ việc các thiết chế tài chính hiện đại tại TPHCM đã được hình thành và vận hành bài bản, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, trung tâm thanh toán, hạ tầng số và các ứng dụng fintech.
Việt Nam cũng đã nghiên cứu áp dụng cơ chế sandbox, thí điểm các giải pháp fintech và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư tiếp cận các dự án công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, TPHCM còn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với kết nối chặt chẽ tới các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải… Hệ thống cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn cũng là lợi thế để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Một lợi thế khác, ông Được cho rằng, quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương là nền tảng quan trọng để đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hạ tầng số theo chuẩn mực quốc tế.
Dù sở hữu nhiều lợi thế, quá trình triển khai trung tâm tài chính vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Ông Được kỳ vọng sự đồng hành của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư để đề xuất chính sách, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công trên thế giới, cũng như hỗ trợ thu hút nguồn lực và kết nối các dòng vốn chất lượng.