Phát triển trung tâm tài chính quốc tế:
TPHCM, Đà Nẵng cần dọn tổ thế nào để hút "đại bàng"?
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo tiền đề đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vì sao Việt Nam cần có trung tâm tài chính quốc tế?
Chiều 16/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là vấn đề mới trên thế giới nhưng lại là nội dung chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
Do đó, nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng và sự tham gia, trao đổi và đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các chuyên gia, tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.
Theo ông Trung, Việt Nam có những ưu thế đặc biệt riêng có như kinh tế phát triển nhanh, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện và phát triển nhanh.
Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ tiếp nhận được nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các trung tâm tài chính quốc tế lớn khác trong khu vực cũng như quốc tế để bứt phá và tạo lập vị thế mới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính trở nên lành mạnh, hiệu quả, từ đó thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển bền vững, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
"Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng, là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Riêng với Đà Nẵng, thành phố này đang hội tụ các yếu tố "thiên, thời, địa lợi, nhân hòa" khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
"Việc triển khai lộ trình xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng", ông Trung đánh giá.
Ở góc nhìn chuyên gia quốc tế, ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Terne Holdings, cho rằng, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng sẽ bổ sung cho bức tranh tài chính rộng lớn hơn của Việt Nam.
Ở phía Bắc, Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước.
Ở phía Nam, TPHCM là trung tâm tài chính trọng điểm, đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. TP Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này, ông Andy nhận định.
Với vị trí ở miền Trung, Đà Nẵng đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính trên toàn quốc và giảm sự phụ thuộc quá mức vào một trung tâm tài chính duy nhất.
Ngoài ra, khác với trung tâm tài chính tại TPHCM - tập trung vào thị trường vốn, trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại, và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
TPHCM, Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư bằng cách nào?
Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam, cho biết sự thành công của trung tâm tài chính quốc tế sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hút các tổ chức tài chính và nhà đầu tư toàn cầu thiết lập hiện diện tại đây.
Việc thu hút đầu tư cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan hoạch định chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi.
Vị chuyên gia này cho biết, có 3 yếu tố chính là thiết kế thể chế, ưu đãi đầu tư và truyền thông chiến lược - các yếu tố quan trọng cần triển khai hiệu quả trong giai đoạn đầu phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, ông khuyến nghị Chính phủ thành lập các cơ quan quản lý trung tâm tài chính tự chủ tại cả TPHCM và Đà Nẵng. Các đơn vị này độc lập về mặt pháp lý, tài chính và hoạt động để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng.
Cơ quan này đóng vai trò như một trung tâm phê duyệt liên quan đến đầu tư, tinh giản quá trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả vận hành. Cách tiếp cận này sẽ là thông điệp rõ ràng và thuyết phục gửi đến các nhà đầu tư rằng trung tâm tài chính quốc tế hoạt động hiệu quả và được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần tạo sự cân bằng hợp lý giữa vai trò điều tiết và phát triển kinh doanh để tích cực thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Vai trò kép này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính và đảm bảo các nhà đầu tư tìm được môi trường hỗ trợ phù hợp với nhu cầu.
Mặc dù cấp phép và quản lý vẫn là những chức năng chính nhưng nhiệm vụ của Cơ quan này nên mở rộng sang vai trò chỉ đạo chiến lược trong truyền thông, lập kế hoạch tổng thể và xúc tiến đầu tư.
Ngoài ra, ưu đãi đầu tư cạnh tranh và có trọng tâm, trọng điểm cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Các trung tâm này đã kết hợp thành công ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, quy trình pháp lý cải tiến và trợ cấp chi phí hoạt động để giảm rào cản gia nhập, tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững.
Chính phủ cũng cần nỗ lực thực hiện các hoạt động truyền thông chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với các nhà đầu tư, và công tác truyền thông chiến lược cần phải sớm bắt đầu.
Với TP Đà Nẵng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Mỹ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.
Về mô hình chung, thành phố đề xuất phát triển hệ sinh thái của trung tâm tài chính đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ.
Thứ nhất là cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thứ hai là các dịch vụ fintech và techfin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…
Đồng thời, trung tâm sẽ cung cấp không gian ươm tạo cho các start up, các công ty fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hóa.
Thứ ba là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.