Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào

(Dân trí) - Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT khi phân tích về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Bởi EU có thu nhập bình quân đầu người lên tới 55.000 USD/năm và quy mô kinh tế là 10.000 tỷ USD.

Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào - 1

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực thì nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao của nước ta sẽ có cơ hội lớn ở thị trường Châu Âu. Ảnh: Đại Việt

Kẻ “thấp bé” chơi với gã khổng lồ

Sáng nay (21/8), hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” với chủ đề “Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” đã diễn ra tại TPHCM.

Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và nhiều lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực rất quan trọng và “nhạy cảm”. Nông nghiệp là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công hay không trong các nguyên tắc hội nhập và phát triển của Việt Nam cũng như việc phát triển bền vững của quốc gia.

“Mục tiêu chiến lược của chúng ta trong câu chuyện phát triển bền vững của đất nước là đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại để tránh những phụ thuộc, tránh những nguy cơ bị tác động từ các đối tác có ảnh hưởng, có lợi ích với cơ cấu sản phẩm của chúng ta”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào - 2

Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” với chủ đề “Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một hiệp định rất đặc biệt. Bởi những hiệp định thương mại tự do khác thì ký xong, phê chuẩn xong rồi cũng phải chờ cả thời gian dài mới thực hiện.

Thế nhưng, với EVFTA thì lãnh đạo Nhà nước vô cùng quan tâm, các cơ quan ban ngành ráo riết vào cuộc và khẩn trương thực hiện.

“Chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc triển khai các rào thuế, các nghị định mà trước đây cứ ký xong là xong, rồi tự chuyển động. Nhưng bây giờ khác rồi, quy mô kinh tế Việt Nam đã khác, đẳng cấp hội nhập đã khác. Kiểu như thi lên đại học, nếu không chăm chỉ, không quyết liệt thì làm sao mà đỗ được”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, những thị trường khó tính nhất về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU hay Nhật Bản thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu đáp ứng được. Đây là một sự trỗi dậy và đi lên đầy khát vọng của các doanh nghiệp.

“Nhiều người thường so sánh quy mô, công nghệ của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Tuy nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng, bởi hãy nhìn vào lịch sử, xuất phát điểm của các doanh nghiệp Việt Nam thì thấy ngay sự khập khiễng này”.

“EVFTA chính là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất. Tất cả sự cam kết sâu rộng nhất, hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0 trong một lộ trình gần nhất. Một quốc gia chỉ có GDP bình quân đầu người khoảng 2.700 USD/năm như Việt Nam mà dám “chơi” với một ông có thu nhập bình quân đầu người là 55.000 USD/năm, quy mô kinh tế 10.000 tỷ USD. Việt Nam dám chơi một cách công bằng, bình đẳng là một điều đáng tự hào khi đất nước chỉ mới đi lên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào - 3

Hàng hóa Việt Nam sẽ "chơi" sằng phẳng với hàng hóa Châu Âu. Ảnh: Đại Việt

Nông nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức

Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp. Chúng ta sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu”, bà Phạm Thị Hồng Hạnh nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội khi được đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài và tăng cơ hội thu hút lựa chọn đầu tư từ nước ngoài.

Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào - 4

Cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp là rất lớn. Ảnh: Đại Việt

Tuy nhiên, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cũng cho rằng, thách thức đối với ngành nông nghiệp trong nước cũng là không hề nhỏ khi mà sức cạnh tranh gia tăng vì hàng hóa nhập khẩu được cắt giảm hàng rào thuế quan.

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu thách thức từ các quy định về vệ sinh dịch tễ (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu. Bởi các quy định này sẽ ngày càng chặt chẽ hơn khi giảm thuế.

Việt Nam sẽ phải đảm bảo việc tuân thủ các quy định khác về vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm xã hội…

“Hộ nông dân quy mô nhỏ, doanh nghiệp manh mún chưa có sự liên kết chặt chẽ hay hệ thống phân phối trong nước thiếu liên kết, công nghiệp dịch vụ cho phát triển nông nghiệp hạn chế cũng là những thách thức thực sự đối với chúng ta”, bà Hạnh chia sẻ.

Việt Nam dám chơi bình đẳng với “gã khổng lồ” EU là điều đáng tự hào - 5

Thách thức đối với ngành nông nghiệp cũng là không hề nhỏ khi hàng hóa Châu Âu được miễn giảm thuế tràn vào nội địa. Ảnh: Đại Việt

Nói về thách thức của từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể, bà Hạnh nhận định, mặt hàng gạo sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan khi vào EU. Gạo Việt Nam sẽ phải vượt qua những khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng, biến đổi khí hậu và nguồn nước từ sông Mekong.

Mặt hàng thủy sản sẽ phải cạnh tranh với Ấn Độ, Argentina, Thái Lan… Doanh nghiệp thủy sản sẽ phải vượt qua những thách thức như hàng rào SPS/TBT, truy xuất nguồn gốc, mác sinh thái, quy định về môi trường, diện tích đánh bắt thủy sản bị thu hẹp do tranh chấp lãnh hải, tài nguyên cạn kiệt…

Ngoài ra, những sản phẩm nông nghiệp như rau quả, cà phê, điều, tiêu hay đồ gỗ cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi bước vào thị trường EU.

Đại Việt