Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng cơ hội tăng trưởng
(Dân trí) - USAID cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn sau nhiều nỗ lực cải thiện thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó, quá trình này cần được tiếp tục duy trì.
Phát biểu tại hội nghị Cải cách Hải quan và Triển vọng Thương mại Việt Nam sáng 7/12, ông Bradley Bessire - Phó giám đốc USAID Việt Nam - chia sẻ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi sau khi các biện pháp hạn chế của đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Ông Bessire đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hệ sinh thái thương mại đã tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp, thương nhân, nhà đầu tư tại Việt Nam được hưởng điều kiện thuận lợi hơn. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cả trong khu vực và trên toàn cầu cũng được nâng cao.
Đại diện USAID cho biết thông qua dự án Tạo thuận lợi Thương mại, cơ quan này đã và đang hợp tác chặt chẽ với ngành hải quan của Việt Nam để góp phần giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Đơn cử như việc USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành Thông tư 81 về Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng Nghị định kiểm tra chuyên ngành. Nghị định này ước tính sẽ giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 67 triệu USD mỗi năm, giảm khoảng 2,5 triệu ngày công và các chi phí nhập khẩu liên quan.
USAID mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này vì quá trình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần có cam kết và nỗ lực chung của nhiều bộ ngành liên quan. Song song đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Khi các cơ quan chính phủ cộng tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, quá trình xây dựng chính sách kinh tế sẽ trở nên minh bạch và toàn diện hơn, từ đó góp phần cải cách hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi chính là "đòn bẩy" tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư trước những biến động lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Với những nhận định về triển vọng thương mại phục hồi sau đại dịch cùng với những mục tiêu cụ thể của ngành hải quan, lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên lành mạnh và hấp dẫn hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sau 11 tháng ước đạt gần 674 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả của cả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân của Việt Nam từ nay đến năm 20230 dự kiến sẽ tiếp tục tăng 6-7%/năm, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm.