1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vị thế thương mại lớn dần, Việt Nam cần thay đổi "cách chơi"

(Dân trí) - Vị thế thương mại của Việt Nam đang lớn dần và “cách chơi” cũng cần thay đổi. Việt Nam cần có sự cân bằng về mối quan hệ với các đối tác lớn, đặc biệt là những đối tác như EU.

Ngày 1/7, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Trung tâm báo chí TPHCM tổ chức chương trình Tọa đàm về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông.

Vị thế thương mại lớn dần, Việt Nam cần thay đổi cách chơi - 1

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc tại Trung tâm báo chí TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, theo định hướng của Đảng thì nền kinh tế Việt Nam không chỉ hội nhập mà phải là hội nhập kinh tế sâu rộng và chủ động.

Việc chủ động trong hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam không bị phụ thuộc và không bị đe dọa bởi những mối quan hệ hay những thị trường mà Việt Nam đang phụ thuộc vào.

“Chúng ta phải tính toán làm sao để khai thác tốt những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Bởi, lợi ích của các hiệp định thương mại tự do là rất rõ ràng và đã được khẳng định. Đây là cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng suất lao động giúp chúng ta kết nối với những nền kinh tế lớn của thế giới”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, việc tham gia vào EVFTA cũng sẽ khiến Việt Nam phải thay đổi rất nhiều để tự hoàn thiện mình. Việt Nam sẽ phải cải cách về tư pháp, pháp luật, thể chế để tạo ra nên những động lực mới cho tăng trưởng và nâng cao tiến bộ xã hội.

Đặc biệt, những cam kết của Việt Nam về sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thương mại điện tử… sẽ là những “cú hích” và tạo ra môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

“Bộ Công Thương mong muốn có sự tương tác tích cực với các cơ quan báo chí để tuyên truyền những nội dung liên quan đến EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Bởi vai trò của báo chí, truyền thông là rất quan trọng. Bộ Công Thương cũng sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan truyền thông để tiếp tục thay đổi, hoàn thiện những vấn đề bất cập còn tồn tại”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.

Vị thế thương mại lớn dần, Việt Nam cần thay đổi cách chơi - 2

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại chương trình. Ảnh: Đại Việt

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, EU là thị trường nhập khẩu rất lớn của thế giới. Tuy nhiên, quy mô tham gia thị trường này của Việt Nam lại rất nhỏ, chỉ khoảng 2%. Đây là cơ hội rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Và để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức khi “bước” vào thị trường EU thì rất cần sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí.

“Khi các cơ quan báo chí làm đúng nhiệm vụ của mình sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về những quy định, thủ tục cũng như các cơ hội và rủi ro khi tham gia vào EVFTA cũng như các hiệp định tự do khác. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cũng cần sát cánh hơn với các bộ ngành và thành phố để nền kinh tế Việt Nam sớm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Đức nói.

Vị thế thương mại lớn dần, Việt Nam cần thay đổi cách chơi - 3

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường "khổng lồ" như EU.

Theo ông Lương Hoàng Phái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), vị thế trong thương mại quốc tế của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua.

“Ngày trước, nếu ai nói thương mại của Việt Nam sẽ có ngày xuất khẩu vượt qua Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thì người khác sẽ nghĩ là nói đùa. Thế nhưng, hiện nay, Việt Nam đã làm được điều đó. Thương mại của Việt Nam đang đứng thứ 2 tại ASEAN chỉ sau Singapore”, ông Phái phát biểu.

Cũng theo ông Phái, vị thế thương mại của Việt Nam đang lớn dần và “cách chơi” cũng cần thay đổi. Việt Nam cần có sự cân bằng về mối quan hệ với các đối tác lớn, đặc biệt là những đối tác như EU.

Chính vì vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng không nên quá bi quan vào những thách thức bởi cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao và không đối đầu trực tiếp. Cạnh tranh cũng chính là động lực để vươn lên và Việt Nam cũng đã mở cửa trước đó cho nhiều đối tác.

“Các cơ quan báo chí, truyền thông cần phân tích rõ lợi ích cụ thể của EVFTA như thuế, cách tiếp cận thị trường hiệu quả, các biện pháp phi thuế quan cụ thể của EU hay những lưu ý quan trọng trong quá trình thực thi EVFTA như vấn đề lao động, môi trường… để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn để nắm lấy cơ hội cho mình”, ông Phái nói.

Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đang rất tốt. Kim ngạch hai chiều tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần, từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa của Việt Nam xuất sang EU chỉ đạt 13,29 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam gồm: điện thoại, máy tính, giày dép, dệt may, cà phê, hạt điều, thủy sản…

Đại Việt