1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch ADB:

“Việt Nam có thể kiểm soát tốt lạm phát”

(Dân trí) - “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 11 với 6 giải pháp nhằm thắt chặt tài chính tiền tệ để kiềm chế lạm phát vào cuối năm. Đây là chính sách phù hợp và Việt Nam có thể kiểm soát tốt lạm phát”.

“Việt Nam có thể kiểm soát tốt lạm phát” - 1

Chủ tịch ADB Kuroda (ảnh: Q.Đ).

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda bày tỏ quan điểm của mình tại cuộc họp báo bế mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44.

Với tư cách là Chủ tịch ADB, ông đánh giá thế nào về những kết quả mà Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 tổ chức tại Hà Nội đã đạt được? Vai trò của Việt Nam trong thành công của hội nghị?

Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi tuyệt vời trong việc tổ chức thành công hội nghị lần này. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy được sự hiếu khách của người dân Hà Nội. Hội nghị thường niên lần thứ 44 được tổ chức và kết thúc thành công.

Tại hội nghị, chúng tôi đã có nhiều định hướng cho chính sách ngắn, trung, dài hạn. Các thống đốc đã thảo luận tập trung vào phát triển bền vững, toàn diện và quan tâm tới môi trường. ADB hoàn toàn nhất trí với ý kiến các thống đốc và thực hiện theo sự chỉ đạo của các thống đốc trong việc tăng cường sự hỗ trợ của mình để đạt được sự tăng trưởng bền vững.

Vậy thông điệp lớn nhất mà hội nghị này đưa ra là gì?

Hội nghị này đã có rất nhiều thông điệp. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm chính như: Kiểm soát lạm phát ở một số nước, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mang tính toàn diện, mang lợi ích cho tất cả mọi người hay tầm quan trọng trong việc tăng trưởng bền vững và môi trường.

Ngoài ra, các thống đốc cũng có sự nhất trí cao trong việc đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác trong khu vực. Những thông điệp này rất rõ ràng và tôi rất vui khi nói rằng, các thống đốc đã có đóng góp lớn cho việc đẩy mạnh quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng…

Vậy sau đề xuất của các thống đốc trong hai phiên họp toàn thể, ADB có thay đổi kế hoạch của mình trong những năm tới hay không?

Chúng tôi nhận thấy phát biểu của các thống đốc thể hiện sự ủng mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các nước về cơ sở hạ tầng, giáo dục, tài chính và hợp tác, hội nhập khu vực. Tất nhiên, chúng tôi cũng có những khung chiến lược dài hạn mà hội đồng đã thông qua lần này.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển của ADB từ nay đến năm 2020, trong đó có kiểm soát lạm phát, an ninh lương thực. Chúng tôi cũng cần tiếp tục sự hỗ trợ trong khu vực về lĩnh vực nông nghiệp. Có rất nhiều đánh giá của các thống đốc giúp chúng tôi định hướng hoạt động và chúng tôi cảm ơn những ý kiến này.

Hiện tại, chúng tôi đang hướng tới một chương trình hỗ trợ khoảng 2 tỷ USD cho lĩnh vực xanh. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sử dụng, chúng ta cũng cần phải tính tới việc tiết kiệm trong sử dụng năng lượng. Đây là lĩnh vực ADB sẽ tập trung hỗ trợ cho các nước. Ngoài ra, ADB cũng sẽ hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, tôi nghĩ đây là vấn đề vô cùng quan trọng về dài hạn. Điều này sẽ giảm thiểu nguồn phát thải khí nhà kính.

Về dài hạn, chúng ta có thể tìm kiếm thêm những nguồn năng lượng tái tạo mới. Đây sẽ là lĩnh vực chúng tôi sẽ đầu tư phát triển. Thực tế, chúng tôi đã và đang đầu tư cho những dự án này ví dụ như Dự án năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, Trung Quốc, gió ở Thái Lan và ở một nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Xin ông cho biết, thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản ảnh hưởng như thế nào tới kế hoạch hoạt động của ADB?

Thảm họa vừa xảy ra đã gây nhiều thiệt hại ở về con người, tài sản, vốn đầu tư, cơ sử hạ tầng và sự phát triển kinh tế của Nhật Bản. Tại thời điểm này, con số thiệt hại cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, tuy nhiên, sơ bộ thiệt hại khoảng 56% GDP của Nhật. Tôi tin rằng việc khôi phục khu vực đông bắc Nhật Bản sẽ được thực hiện nhanh. Điều này cũng có nghĩa Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ tái thiết khôi phục lại những cơ sở hạ tầng ở khu vực, giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng, chi tiêu công của Nhật chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Việc này có ảnh hưởng tới hỗ trợ nước ngoài hay không còn phụ thuộc vào chính phủ Nhật Bản nhưng tôi lạc quan rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nước đang phát triển để xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống người dân.

Xin hỏi ông một câu về Việt Nam: Ông nhận định gì về nỗ lực kiềm chế lạm phát mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện?

Hiện các nước có chính sách điều hành khác nhau, như Việt Nam là thách thức lạm phát ở 2 con số. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 11 với 6 giải pháp nhằm thắt chặt tài chính tiền tệ để kiềm chế lạm phát vào cuối năm.

Đây là chính sách phù hợp. Việt Nam chịu ảnh hưởng bên ngoài như giá lương thực, dầu, giá tiêu dùng. Tất nhiên đây là hiện tượng toàn cầu và Việt Nam nằm trong số đó. Tình hình lạm phát ở mỗi nước khác nhau và Việt Nam cũng có những gói chính sách riêng để kiềm chế lạm phát. Tôi nghĩ rằng những chính sách hiện này của Việt Nam nếu thực hiện được có thể kiểm soát tốt lạm phát.

Tuy nhiên ở một số nước áp lực lạm phát đang rất lớn, ở những nước như vậy thì tôi muốn nhấn mạnh rằng, rất nhiều chính sách kìm hãm lạm phát đang được thực hiện và chúng tôi đánh giá những chính sách này đưa ra kịp thời, đúng lúc. Tại thời điểm này, tôi không nghĩ mức lạm phát ở khu vực sẽ leo thang tới mức phi mã. Sự điều hành linh hoạt trong tỷ giá hối đoái cũng sẽ giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát…

- Xin cảm ơn ông!

 

Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã thành công tốt đẹp với sự tham gia của gần 4.000 đại biểu; trong đó có Thủ tướng, Phó Thủ tướng một số quốc gia, các Bộ trưởng kinh tế - tài chính, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, quan chức cấp cao của các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế..., 205 đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và 464 phóng viên của các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Đây là Hội nghị thường niên của ADB có số lượng đại biểu đăng ký và tham dự lớn nhất từ trước đến nay.

 

An Hạ (ghi).