Việt Nam chưa hiểu thị trường Trung Quốc: Thương lái đến tận nhà đặt hàng

Thương lái Trung Quốc đến tận nhà đặt hàng; muốn chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nhưng thị trường không cần... là câu chuyện của một doanh nghiệp.

Việt Nam hiểu thị trường Trung Quốc đến đâu? Nông sản Việt có thực sự thụ động chỉ ngồi nhà chờ người đến mua không?... là những câu hỏi khiến nhiều người trăn trở bấy lâu nay.

Thị trường dễ nhất

Là doanh nghiệp có vùng nguyên liệu 50 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap/GlobalGap, đồng thời cũng chuyên thu mua thanh long để xuất khẩu đi Trung Quốc, Công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng của ông Đỗ Văn Dũng ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận không cần phải sang tận Trung Quốc để tìm hiểu thị trường.

Theo chia sẻ của ông Dũng, từ trước đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận vẫn thông thương bình thường với Trung Quốc. Chỉ có điều, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu nông sản, các sản phẩm muốn vào thị trường này đều phải qua kiểm tra, kiểm dịch rõ ràng.

"Từ trước tới giờ toàn người Trung Quốc qua đây tìm mình chứ mình đâu biết chỗ mà đi tìm họ. Họ sang tận nơi, nói rõ yêu cầu cần hàng gì, tiêu chuẩn loại 1, loại 2... thế nào, chúng tôi giới thiệu mình có sản phẩm ra sao, khách hàng cần đóng gói kiểu gì, phân loại như thế nào... Mọi chuyện rất đơn giản.

Chúng tôi chỉ cần làm theo yêu cầu đặt hàng của thương lái Trung Quốc, họ đặt sao mình làm vậy, không cần phải tìm hiểu Trung Quốc làm gì với sản phẩm của mình sau khi mua về", ông Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Việt Nam chưa hiểu thị trường Trung Quốc: Thương lái đến tận nhà đặt hàng - 1

Qua nhiều năm xuất khẩu thanh long đi thị trường Trung Quốc, ông Dũng nhận thấy Trung Quốc vẫn là thị trường dễ nhất. (Ảnh minh họa: VTV)

Cũng theo ông Dũng, qua nhiều năm xuất khẩu thanh long đi thị trường Trung Quốc, ông nhận thấy Trung Quốc vẫn là thị trường dễ nhất.

"Tôi thấy nhiều người đi các nước khác nhưng rồi hàng không đạt, lại quay về Trung Quốc, thế là nhanh nhất. Dĩ nhiên, người Trung Quốc kinh doanh rất giỏi nên giá mua của họ phập phù, lúc lên lúc xuống. Được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa", Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng nhận xét.

Nỗi buồn vì... chủ động

Theo chia sẻ của ông Dũng, sau nhiều năm trải qua cảnh thanh long được mùa thì lại mất giá, ông đã nghiên cứu và nhập khẩu dây chuyền công nghệ sấy dẻo của Đức nhằm đa dạng hóa sản phẩm thanh long, nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thanh long.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là sấy khô nguyên liệu bằng nhiệt cho ra sản phẩm theo độ ẩm được điều chỉnh tự động ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo yêu cầu của thị trường.

Do việc sử dụng điện năng để tạo ra nhiệt năng nên không sử dụng đến các loại nhiên liệu khác như củi, gas hoặc nhiên liệu hóa thạch khác, vì vậy vừa không gây ô nhiễm không khí, vừa dễ dàng, nhanh chóng, chính xác tuyệt đối trong việc điều chỉnh nhiệt lượng theo yêu cầu.

Khi mới nhập dây chuyền này về, ông Dũng tràn đầy hy vọng từ nay sẽ hạn chế được cảnh thanh long bị dội hàng, dội chợ khi được mùa. 

Tuy nhiên, niềm vui ban đầu ngày càng vơi đi, thay vào đó là nỗi lo, nỗi buồn khi các cơ sở chế biến thanh long sấy từ khi đi vào hoạt động kinh doanh khó khăn, do nhọc nhằn chuyện mở thị trường.

Ông Dũng không giấu diếm chuyện kinh doanh thanh long sấy dẻo của mình. Khi mới ra sản phẩm, ông đã gửi đi nhiều nơi, có nhiều công ty xuất khẩu tìm đến đề nghị lấy hàng mẫu để gửi cho đối tác nước ngoài, nhưng sau đó đều không ai hồi âm, không có thông tin gì. Ngay cả thị trường gần gũi là Trung Quốc, ông cũng gửi sản phẩm đi giới thiệu nhiều lần song cũng không có phản hồi.

"Thực ra nếu như họ phản hồi, chê sản phẩm điểm này, điểm nọ chưa được hay giá đắt thì chúng tôi còn biết đường điều chỉnh, tính toán. Đằng này, cứ im lặng thế thì chắc là thị trường không có nhu cầu và không chấp nhận sản phẩm này. Bây giờ, chúng tôi bán trong nội địa, thi thoảng có người mua 5-10 ký, còn lại đa số vẫn bán tươi cho nhanh", Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng cho biết.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm