Việt Nam chưa có dự án nào đầu tư vào Malta

(Dân trí) - Theo khẳng định của ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện Bộ KH&ĐT chưa cấp bất kỳ giấy phép cho các nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đầu tư vào Cộng hòa Malta.

Theo lãnh đạo Cục Đầu tư Nước ngoài, quá trình duyệt đầu tư ra nước ngoài hiện nay được làm chặt chẽ. Đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài phải là mục đích kinh doanh, có mục tiêu, có dự án thực hiện cụ thể, đến đăng ký đầu tư. Sau khi đăng ký và được chấp nhận đầu tư rồi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát dòng tiền chuyển ra, chuyển vào. Việc một nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì cần làm thủ tục theo đúng quy định, nếu đáp ứng điều kiện của Chính phủ thì sẽ được cấp chứng nhận đầu tư.

Quốc đảo Malta được xem là 1 trong những thiên đường thuế của thế giới
Quốc đảo Malta được xem là 1 trong những thiên đường thuế của thế giới

Ông Vũ Văn Chung cho hay, các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hiện lớn nhất ở Lào, Campuchia, kế đến là Nga, các nước Châu Phi, Mỹ La Tinh. Ngoài ra, có một số dự án đầu tư vào Mỹ, Châu Âu về dịch vụ phân phối hàng hóa, mở cửa hàng. Về cơ bản, các dự án đều thực hiện và chấp hành tốt quy định về đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ.

Theo ông Chung, hiện đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất điện, viễn thông, tài chính ngân hàng, bất động sản, chế biến chế tạo, nông nghiệp, trồng cây công nghiệp...

Mới đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội do có hai quốc tịch Việt Nam - Malta, làm dấy lên nghi ngờ của dư luận về việc bà Hường có thể có nhiều khoản đầu tư tại Malta. Bởi quốc đảo Malta được xem là một trong những thiên đường thuế của thế giới và đây thuộc về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội: Luật Quốc tịch quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, mới đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta. Việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật. Và việc nhập quốc tịch Malta cũng không được bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử.

Ông Phúc nói thêm: Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài có thể có hai, ba quốc tịch, nhưng khi về nước kê khai quốc tịch nào thì hưởng dụng quyền quy định với quốc tịch đó. Như vậy, người Việt Nam ở nước ngoài về nước, còn giữ quốc tịch Việt Nam, khai quốc tịch nước ngoài thì được đối xử như người nước ngoài. Còn nếu khai quốc tịch Việt Nam thì được đối xử là công dân Việt Nam. Người Việt Nam sinh sống ở trong nước chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, có thêm quốc tịch khác là vi phạm.

Nguyễn Tuyền