Việt Nam chi hơn 6,8 tỷ USD nhập xăng dầu

Thảo Thu

(Dân trí) - Lượng xăng dầu nhập khẩu đến hết tháng 9 đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tương đương hơn 6,8 tỷ USD. Nhập từ Trung Quốc tăng 130% về lượng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9, cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 616,1 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9 trở về mức tương đương các tháng gần đây. Cụ thể, tháng 7 là 650.952 tấn, tháng 6 là 617.787 tấn. Từ đầu năm đến nay, tháng 3 ghi nhận lượng nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, lên tới 1,28 triệu tấn.

9 tháng, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 6,833 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 2,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,745 tỷ USD, tăng tới 91,62% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Hàn Quốc chiếm 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Việt Nam chi hơn 6,8 tỷ USD nhập xăng dầu - 1

Lượng xăng dầu nhập khẩu đến hết tháng 9 đạt hơn 6,5 triệu tấn (Ảnh: Mạnh Quân).

Các thị trường lớn khác như Malaysia 956.148 tấn, kim ngạch 885,67 triệu USD, nhưng giảm mạnh so với mức gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái; Singapore 960.508 tấn, kim ngạch 978,7 triệu USD, tương đương về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ 2021; Thái Lan 877.870 tấn, kim ngạch 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn hàng đầu của Việt Nam với 627.123 tấn, kim ngạch 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%); trong khi kim ngạch gấp 4,42 lần.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối, giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở khâu bán lẻ nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tính đến chiều ngày 10/10, tại TPHCM có 121 trong số 550 cửa hàng tạm hết xăng. Vài nơi khác ở phía Nam cũng trong tình trạng tương tự.

Trước đó, vào tối 9/10, theo ghi nhận của Dân trí, hàng loạt cây xăng trên địa bàn TPHCM để bảng thông báo hết xăng và đóng cửa từ rất sớm. Đến sáng 10/10, hàng trăm người dân đứng xếp hàng dài từ ngoài đường vào tận trụ xăng để chờ đổ xăng. Có người phải chờ gần một tiếng mới đến lượt, có người thậm chí phải rời đi vì hết hàng.

Theo khẳng định của Bộ Công Thương, dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 26 lần điều chỉnh với 13 lần tăng, 12 lần giảm và một lần giữ nguyên. Riêng xăng đã có kỳ giảm giá lần thứ 9 kể từ đầu tháng 7. Lần gần nhất giá xăng dầu điều chỉnh là hôm 3/10.

Theo dự báo của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ở kỳ điều hành giá hôm nay (11/10), giá mặt hàng này có thể tăng khi nguồn cung hầu như thiếu hụt 30-40%.