1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao xe nhập về Việt Nam không còn mang danh "giá rẻ"?

(Dân trí) - Trong nửa tháng 5, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, giá xe nhập về Việt Nam đã tăng mạnh lên mức 10 triệu đồng/xe so với cùng kỳ tháng 4/2017 và tăng hơn 260 triệu đồng so với mức giá nhập xe tháng 3/2017.

Cụ thể, tính từ ngày 1-15/5, cả nước nhập khẩu hơn 4.700 xe hơi nguyên chiếc, trong đó xe con chiếm gần 50% đạt khoảng 2.000 xe, tăng hơn 800 xe so với cùng kỳ tháng 4, nhưng giảm hơn 2.000 xe so với cùng kỳ tháng 2/2017.

Về mức giá nhập, tháng 5/2017 giá xe con đạt 458 triệu đồng/chiếc, tăng hơn 10 triệu đồng so với cùng kỳ tháng 4 và tăng hơn 260 triệu đồng so với cùng kỳ tháng 3/2017.

Thay vì đổ dồn vào nhập xe bán tải, hiện các nhà nhập khẩu xe Thái, Indonesia đã hướng mạnh, chuyển sang nhập xe đa dụng, với thuế suất cao 30% thay vì 5% đối với dòng xe bán tải (ảnh minh hoạ)
Thay vì đổ dồn vào nhập xe bán tải, hiện các nhà nhập khẩu xe Thái, Indonesia đã hướng mạnh, chuyển sang nhập xe đa dụng, với thuế suất cao 30% thay vì 5% đối với dòng xe bán tải (ảnh minh hoạ)

Theo một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi thuộc tổ chức các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng VIVA, hiện tượng tăng giá xe nhập về Việt Nam hiện nay là do các hãng điều chỉnh chủng loại, phân khúc xe nhập.

Đơn cử, thị trường Thái Lan, nếu trước kia các DN nhập khẩu chủ yếu dòng xe bán tải, có mức thuế nhập khẩu là 5% (theo Chương trình ưu đãi thuế quan ASEAN CEPT nay họ tăng nhập nhiều dòng xe đa dụng SUV của các hãng như Mitsubishi Pajero Sport 2017, Isuzu MU-X, Ford Everest và các dòng xe sedan hạng trung, phân khúc B như Honda Civic, Honda City, Toyota Yaris... đều có mức thuế suất thuế nhập khẩu 30%.

Thị trường Indonesia cũng vậy, xu hướng nhập xe Fortuner đang thay thế các dòng xe khác của Toyota, thị trường Ấn Độ vẫn nhập chủ yếu các dòng xe sedan, xe Van giá rẻ của Hyundai.

Trên thực tế, xe con hiện nay nhập Thái Lan, Indonesia đang chiếm số lượng rất lớn. Hết 4 tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 33.000 ô tô nguyên chiếc thì nhập từ Thái Lan, Indonesia là hơn 18.000 chiếc, chiếm hơn 53% lượng nhập. Nếu xét riêng về xe con nhập khẩu về Việt Nam, lượng nhập xe Thái, Indonesia chiếm hơn 80% tổng lượng nhập khẩu.

Thời điểm cuối năm 2016, giá xe nhập khẩu về Việt Nam từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ bất ngờ giảm mạnh so với xe của các thị trường khác, xe nhập Ấn Độ chỉ dưới 100 triệu đông về cảng, xe Indonesia và Thái Lan chỉ khoảng 300 - 400 triệu đồng/chiếc. Mức giá nhập về Việt Nam rẻ được thị trường đón nhận, người tiêu dùng Việt kỳ vọng giá xe sẽ giảm để cơ hội sở hữu ô tô của người Việt ngày càng gần hơn.

Tuy nhiên, sau khi giảm giá nhanh và nhiều, thời gian gần đây giá các loại xe nhập về Việt Nam đã tăng trở lại. Xe Ấn Độ đã tăng lên hơn 260 triệu đồng/chiếc, xe ô tô Indonesia và Thái Lan cũng tiếp tục tăng mạnh từ vài chục triệu đến gần 200 triệu đồng/xe so với mức khai báo trước đó.

Theo lý giải của đại diện Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, việc tăng giá xe nhập từ các thị trường do DN điều chỉnh phân khúc, chủng loại xe nhập. Ngoài ra, các DN đều phải khai báo lại giá trị hải quan theo lệnh siết chặt giá khai báo trước đó của Hải quan, Bộ Tài chính.

Được biết, về mức giá khai báo và tính thuế, Luật thuế mới áp dụng cho phép DN được tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế và đưa ra mức giá nhập khẩu tương ứng với trị giá khai báo của cơ quan hải quan. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm, khai giá thấp, cơ quan chức năng sau đó vào cuộc, xử lý sai phạm theo quy định phạt chậm nộp thuế, gian lận trị giá hải quan theo quy định của pháp luật. Chính vì việc cho phép DN tự kê khai, tính và nộp thuế đã làm nảy sinh tình trạng khai không đúng giá trị hàng hoá, khiến giá nhập về giảm nhanh, bất ổn định, Nhà nước thất thu thuế...

Nguyễn Tuyền