Vì sao xe hơi châu Âu về Việt Nam giảm mạnh trước khi EVFTA được ký kết?
(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết năm 2019 chỉ vỏn vẹn 1.500 chiếc xe của EU, trong đó hơn 1.475 chiếc xe Đức, 61 chiếc xe của Pháp nhập vào Việt Nam.
Lượng xe từ EU về hiện nay quá ít so với vị thế của một trong những khu vực có ngành xe hơi phát triển bậc nhất thế giới. Các quốc gia trong EU như Đức, Pháp, Ý và Thuỵ Điển đều là những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới.
Trong đó, lượng xe của Đức nhập vào Việt Nam hiện có giá bình quân 1,4 tỷ đồng; xe xuất xứ từ Pháp có giá bình quân khoảng 3,2 tỷ đồng. Mức giá xe nhập từ EU hiện bị đánh thuế nhập từ 70-75%, chính vì vậy, giá các dòng xe nhập chính ngạch bị đội lên rất lớn. Đây cũng là lý do khiến các dòng xe này khó tiếp cận được với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ giảm và tiến tới cắt bỏ thuế quan đối với xe EU bằng 0% sau 9 -10 năm. Vì vậy, nhiều người Việt kỳ vọng có thể sở hữu dòng xe chất lượng với giá mềm hơn trong tương lai.
Mặt khác, hiện nay, hầu hết các hãng xe lớn của EU đều đã có mặt tại Việt Nam hoặc thông qua liên doanh với hãng xe Việt. Mercedes Benz là doanh nghiệp 100% vốn ngoại có mặt từ rất lâu ở Việt Nam, hiện hãng xe này duy trì mảng lắp ráp các dòng C-Class, E-Class, S-Class và GLC.
Một mẫu xe của Đức khác là BMW hiện cũng được nhập khẩu bởi Trường Hải, trước đó hãng xe này cũng từng được lắp ráp tại Việt Nam bởi Nhà máy ô tô Hoà Bình (1994). Tuy nhiên, năm 2005, lắp ráp không hiệu quả nên đã ngừng sản xuất.
Số phận của BMW được đặt vào nhà nhập khẩu EuroAuto, một thương hiệu nhập khẩu lớn có mạng lưới ở ASEAN, tuy nhiên, năm 2018, doanh nghiệp nhập khẩu bị tố nhiều sai phạm, Tổng Giám đốc bị truy tố và BMW bị ngưng nhập vào Việt Nam trong thời gian khá dài.
Năm 2018, Trường Hải đứng ra nhập khẩu BMW về Việt Nam. Ông lớn thương hiệu xe hơi Việt Nam này cũng có kế hoạch lắp ráp dòng xe BMW tại Việt Nam.
Đức là nhà sản xuất xe hơi hàng đầu châu Âu với tập đoàn Volkswagen, nơi sở hữu các thương hiệu như Audi, Bentley, Lamborghini, Porsche và Volkswagen.
Hiện các mẫu xe kể trên đều chỉ được nhập nguyên chiếc về Việt Nam, trong đó Bentley, Lamborghini, Porsche về Việt Nam khá ít, chủ yếu là dòng xe sang có giá trên 10 tỷ đồng.
Cơ hội cho các dòng xe này được chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam khá ít ỏi bởi giá trị thương hiệu của các mẫu xe trên cao, kéo theo giá bán chỉ phục vụ một số ít người. Hiện nay chỉ một vài doanh nghiệp đứng ra nhập các mẫu xe sang kể trên tiêu thụ tại Việt Nam.
Xe Pháp có hai mẫu đã và đang được nhập vào Việt Nam là Renault và Peugeot. Mẫu Renault hiện đã ngừng nhập vào Việt Nam từ năm 2018, còn Peugeot hiện được Trường Hải duy trì nhập khẩu và bán trong nước.
Ngoài Đức và Pháp, trong khối EU còn có Ý và Thuỵ Điển có những hãng xe riêng rất nổi tiếng. Thuỵ Điển có thương hiệu Volvo đang có nhà máy lắp ráp lớn tại Trung Quốc. Nếu xuất khẩu vào Việt Nam, các xe này không được cắt giảm thuế do không được xuất từ EU.
Trong khi đó, các loại xe Ý là Maserati, Ferrari và Fiat. Hiện hai mẫu Maserati, Ferrari cũng xuất hiện ở Việt Nam, song chủ yếu là do xuất xứ từ một nước thứ 3 lắp ráp.
Ngoài xe nguyên chiếc, các doanh nghiệp Việt cũng nhập khẩu lượng lớn linh phụ kiện xe hơi từ các nước EU, trong đó chủ yếu là hộp số, máy, phụ tùng và chi tiết thân vỏ, cụm linh kiện và linh kiện tách rời…
Theo thống kê của hải quan, hết năm 2019, Việt Nam nhập từ Đức linh kiện xe hơi trị giá 155 triệu USD, trong đó nhập từ Pháp là hơn 172 triệu USD.
Hiện mức thuế đối với linh kiện ô tô EU vào Việt Nam dao động từ 5-25% theo mức thuế tối huệ quốc (MFN) trong WTO. Theo cam kết trong EVFTA, Việt Nam sẽ bỏ thuế linh kiện xe nhập từ EU sau 10 năm, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Trong thời gian 10 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập linh kiện sẽ cắt giảm theo từng đợt, theo lộ trình.
Như vậy, các doanh nghiệp lắp ráp xe EU lớn tại Việt Nam như Mercedes Benz và cả Trường Hải - Thaco sẽ có cơ hội lớn để nhập linh kiện giá rẻ và lắp ráp xe hơi tại Việt Nam.
Mặc dù lượng xe nhập từ EU vào Việt Nam còn ít, thậm chí có xu hướng giảm từ năm 2018 đến nay do thị trường Việt bị lấn át bởi các nhà sản xuất xe hơi từ Nhật, Hàn thông qua một nước lắp ráp thứ 2 là Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, nếu EVFTA được thực hiện, lộ trình cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, chắc chắn các dòng xe EU sẽ có lợi thế lớn bởi bình quân sở hữu ô tô trên đầu người của Việt Nam đang rất thấp chỉ 23 chiếc/1.000 dân, trong khi đó chất lượng, thương hiệu xe EU tốt hàng đầu thế giới.
Nếu mức giá phù hợp, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn, có tỷ suất lợi nhuận thường niên cao cho các nhà sản xuất, nhập khẩu xe hơi từ EU.
An Linh