Vì sao thất bại ở Doha lại là tín hiệu tích cực cho giá dầu?

(Dân trí) - Giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm hơn 5% vào phiên giao dịch hôm thứ 2 (ngày 18/4) sau khi cuộc hội đàm về thoả thuận đóng băng sản lượng khai thác dầu ở Doha thất bại. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng đây thật ra lại là một tín hiệu tích cực.

Đúng như nhiều dự đoán trước đây, vấn đề địa chính trị ở khu vực Trung Đông, mà điển hình là căng thẳng giữa Ả rập Xê út và Iran đã khiến các thỏa thận tại cuộc hội đàm Doha ngày 17/4 diễn ra mà không đạt được thoả thuận nào về hạn chế nguồn cung giữa các nước dẫn đầu về dầu mỏ trên thế giới.

Vì sao thất bại ở Doha lại là tín hiệu tích cực cho giá dầu? - 1

Quyết định hợp lý

Bất chấp kết quả thất bại hoàn toàn so với mục tiêu ban đầu của cuộc đàm phán, thị trường dầu trên thế giới đang cho thấy việc thiếu đi một "thỏa thuận Doha" nhiều khả năng lại là một tín hiệu tốt hơn cho chính tương lai của nó. Điều này có nghĩa giá dầu vẫn sẽ tiếp tục quá trình tái cân bằng giữa cung và cầu, để rồi tự bình ổn theo quy luật tự nhiên. Đây cũng chính là điều mà các nhà phân tích mong đợi.

"Chúng ta có thể xem như việc thất bại tại Doha là một thành công mỹ mãn dành cho thị trường dầu trong tương lai," Michael Vigna, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu cổ phiếu châu Âu tại Goldman Sachs cho biết.

"Trung bình phải mất từ 18 tháng để giá dầu bắt đầu có được sự cân bằng trở lại, và với đà giảm như hiện nay, chúng ta không cần một quyết định đóng băng nào khác từ OPEC để đưa giá dầu trở lại với quỹ đạo của nó," Michael Vigna nói.

Trên thực tế, các tín hiệu từ lâu đã cho thấy cuộc đàm phán Doha sẽ không đạt được thoả thuận nào về hạn chế nguồn cung giữa các nước dẫn đầu về dầu mỏ trên thế giới, khi mối quan hệ giữa các quốc gia Trung Đông vẫn chưa được cải thiện.

Boojk, trưởng Tài chính Nga từng phát biểu trước báo giới rằng ông không mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào từ cuộc đàm phán Doha, và mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Nhiều chuyên gia khác cũng khẳng định rằng, bước thất bại về ngoại giao này có thể khiến giá dầu biến động trong thời gian tới.

Sức ép từ mức giá rẻ có tác động lớn hơn

Vì sao thất bại ở Doha lại là tín hiệu tích cực cho giá dầu? - 2

Bất chấp nhận định của các chuyên gia phân tích, mức giảm sâu của thị trường chứng khoán và giá dầu vẫn khiến các nhà đầu tư "nơm nớp" lo sợ. Các hợp đồng giao dịch dầu tương lai ở New York đã giảm 6,8% - mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ 1/2/2016.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hoá New York đã giảm 2,75 USD, xuống còn 37,61 USD/thùng và còn 38,11 USD/thùng vào lúc 8h52 sáng 18/4 (giờ Hồng Kông). Trước đó, các hợp đồng giao dịch dầu tương lai cũng giảm 1,14 USD (tương đương 2,8%) xuống mức 40,36 USD trong chốt phiên giao dịch thứ 6 tuần trước.

Giá dầu Brent trên sàn giao dịch London cũng giảm 3 USD, tương đương 7% xuống mức 40,1 USD/thùng. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày thứ 6, giá dầu Brent cũng giảm 74 cent, tương đương 1,7% xuống còn 43,1 USD/thùng.

Trước hàng loạt tín hiệu xấu trên thị trường, chuyên gia phân tích Michael Vigna lại cho biết áp lực liên tục và dai dẳng vào sản xuất nhằm cắt giảm nguồn cung là một điều hết sức cần thiết cho thị trường. "Tôi cho rằng không có bất cứ một thỏa thuận hồi phục kinh tế nào tốt hơn việc để mọi thứ diễn ra theo đúng chu kỳ của nó một cách dài hạn. Chẳng có chu kỳ nào diễn ra mà không có sức ép đến từ giá thấp." ông nói.

Nguyễn Nguyễn

Vì sao thất bại ở Doha lại là tín hiệu tích cực cho giá dầu? - 3