1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá dầu giảm mạnh khi thoả thuận “đóng băng” sản lượng thất bại

(Dân trí) - Giá dầu thế giới đã giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua sau khi cuộc hội đàm giữa các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới diễn ra tại Doha hôm qua (17/4) kết thúc mà không đạt được thoả thuận nào về hạn chế nguồn cung. Bước thất bại về ngoại giao này có thể khiến giá dầu biến động trong thời gian tới.


Giá dầu giảm hơn 5% sau khi các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng. (ảnh: AFP)

Giá dầu giảm hơn 5% sau khi các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới không đạt được thoả thuận đóng băng sản lượng. (ảnh: AFP)

Ngay sau khi thông tin về cuộc họp được phát ra, các hợp đồng giao dịch dầu tương lai ở New York đã giảm 6,8% - mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ 1/2/2016.

Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hoá New York đã giảm 2,75 USD, xuống còn 37,61 USD/thùng và còn 38,11 USD/thùng vào lúc 8h52 sáng nay (giờ Hồng Kông). Trước đó, các hợp đồng giao dịch dầu tương lai cũng giảm 1,14 USD (tương đương 2,8%) xuống mức 40,36 USD trong chốt phiên giao dịch thứ 6 tuần trước.

Giá dầu Brent trên sàn giao dịch London cũng giảm 3 USD, tương đương 7% xuống mức 40,1 USD/thùng. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày thứ 6, giá dầu Brent cũng giảm 74 cent, tương đương 1,7% xuống còn 43,1 USD/thùng.

Một bản thoả thuận giữa gần 20 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới nhằm đóng băng sản lượng khai thác dầu ở mức khai thác trong tháng 1/2016 đã thất bại sau khi Iran quyết định không tham gia vào phút cuối. Trong khi đó, nước dẫn dầu OPEC là Ả rập Xê út đã từ chối cắt giảm sản lượng nếu không có sự tham gia của các nước sản xuất lớn bao gồm Iran.

Giá dầu đã hồi phục trong vài tuần gần đây từ mức thấp nhất trong nhiều năm, có thời điểm giá dầu đã xuống ngưỡng 30 USD/thùng trong tháng 1/2016 khi thị trường bị dư cung, khi các nhà đầu tư kỳ vọng thoả thuận đóng băng sản lượng sẽ được thông qua, nhằm làm giảm nguồn cung đang dư thừa hiện nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, vấn đề địa chính trị ở khu vực Trung Đông là một trong những lý do khiến thoả thuận này thất bại.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Al Sada cho biết, các thành viên OPEC cần tham khảo ý kiến nhau trước sau đó mới họp với các quốc gia sản xuất dầu lớn khác, có thể là trong một hội nghị vào tháng 6 tới.

“Nếu tất cả các nước xuất khẩu dầu lớn không đóng băng sản lượng, chúng tôi cũng không đóng băng sản lượng”, Phó Thái tử Ả rập Xê út tuyên bố “Nếu chúng tôi không đóng băng thì sẽ bán bất cứ thùng dầu nào mà chúng tôi có”. Hiện nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này có thể gia tăng sản lượng lên 11,5 triệu thùng dầu mỗi ngày ngay lập tức và lên 12,5 triệu thùng dầu/ngày trong khoảng thời gian từ 6 -9 tháng “nếu chúng tôi muốn”, Phó Thái tử nói.

Theo số liệu từ Bloomberg, trong tháng qua, Ả rập Xê Út đang duy trì bơm 10,2 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Trong khi đó, Iran – nước vừa tái khởi động hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ hồi tháng 1/2016 sau lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng cho rằng sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động cắt giảm sản lượng nào cho đến khi đạt về mức sản lượng trước khi có lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak bày tỏ: Nga ngạc nhiên khi thoả thuận không được thông qua. Theo ông, thoả thuận có thể sẽ được bàn thảo lại trong một cuộc họp diễn ra vào khoảng giữa năm 2017. Tuy nhiên, “Nga sẽ không lạc quan như trước đó”.

Nhật Linh (tổng hợp)

Giá dầu giảm mạnh khi thoả thuận “đóng băng” sản lượng thất bại - 2