Giá dầu leo lên mức cao nhất trong 4 tháng

(Dân trí) - Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch tại London chiều nay (12/4) đã vọt tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng sau khi sản lượng khai thác dầu đá phiến trong tháng 5/2016 của Mỹ được dự báo sẽ thấp hơn.

Cụ thể, dầu Brent đã tăng tiếp 75 cent lên mức 43,58 USD/thùng trên sàn giao dịch London. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 11/4, các hợp đồng dầu Brent đã tăng thêm 89 cent, tức khoảng 2,1%, lên mức 42,83 USD/thùng.

Trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng tăng thêm 55 cent, tương đương 1,4%, lên mức 40,91 USD/thùng. Trước đó, các hợp đồng dầu giao sau cũng tăng 64 cent lên mức 40,36 USD/thùng. Khối lượng giao dịch nằm trong mức trung bình của 100 ngày.

Như vậy, giá dầu Brent đã tăng hơn 1,8% lên mức cao nhất kể từ ngày 4/12/2015.


Giá dầu Brent đã tăng hơn 1,8% lên mức cao nhất kể từ ngày 4/12/2015.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 1,8% lên mức cao nhất kể từ ngày 4/12/2015.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng khai thác từ dầu đá phiến trong tháng 5 dự báo sẽ giảm xuống còn 4,84 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong hai năm qua, khiến áp lực nguồn cung dư thừa giảm xuống.

Tuy nhiên, số liệu khảo sát của hãng Bloomberg công bố trước đó cho thấy, trong tuần qua, các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu đã gia tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu, tức duy trì gần mức cao kỷ lục kể từ năm 1930.

Giá dầu thế giới đã phục hồi trở lại sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua do những dấu hiệu về sự dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm xuống khi sản lượng khai thác của Mỹ giảm và tâm lý lạc quan về thoả thuận đóng băng sản lượng giữa các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC như Nga sẽ đạt được trong cuộc họp tại Doha vào ngày 17/4 tới đây.

Tuy nhiên tới nay, những hy vọng về thoả thuận này đang tắt dần khi giữa các nước vẫn có nhiều bất đồng quan điểm.

Trong khi Ả rập Xê út, nước sản xuất lớn nhất trong khối OPEC, tuyên bố chỉ đồng ý cắt giảm sản lượng khi có sự tham gia của Iran thì Iran lại cho biết không muốn cắt giảm sản lượng và quyết tâm giành lại thị phần sau nhiều năm bị trừng phạt kinh tế. Còn Kuwait thể hiện quan điểm, thoả thuận vẫn có thể đạt được mà không cần tới nguồn cung từ Tehran.

Nhiều chuyên gia thuộc tổ chức đầu tư lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Commerzbank vẫn cảnh báo về khả năng không nên quá lạc quan với những tác động có thể đến từ thỏa thuận Doha.

Trong khi đó, theo nhận định của đại diện hãng dầu lửa Chevron, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ cân bằng trong một vài tháng tới khi nhiều công ty dầu lớn cắt giảm vốn đầu tư vào ngành khai thác dầu nhằm giảm nguồn cung hiện đang quá dư thừa.

Phát biểu với CNBC, ông John Watson - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Chevron cho rằng giá dầu cuối cùng vẫn là kết quả của cung và cầu. Khi giá dầu thấp, nhà đầu tư sẽ rút bớt nguồn đầu tư khỏi khu vực này.

Ông Watson cũng cho rằng, thoả thuận đóng băng sản lượng tại Doha có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong ngắn hạn. “Nhưng cuối cùng, giá cũng sẽ xuống khi cung - cầu gặp nhau, và tôi cho rằng, thị trường sẽ đi vào trạng thái cân bằng”, ông Watson nói.

Nhật Linh (tổng hợp)

Giá dầu leo lên mức cao nhất trong 4 tháng - 2