1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao Sabeco, Habeco bị đề nghị truy thu 1.200 tỷ đồng?

(Dân trí) - Là những tổng công ty lớn của Nhà nước với tỷ lệ sở hữu Nhà nước lên tới 90% song Sabeco và Habeco đang gặp khó vì bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu trên 1.200 tỷ đồng nợ thuế từ năm 2012 đến năm 2015 dù trước đó, Sabeco và Habeco đều khẳng định đã tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế theo hướng dẫn của cục thuế địa phương.

Hơn 400 tỷ đồng đối với Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và hơn 800 tỷ đồng đối với Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là số tiền mà Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với 2 doanh nghiệp trên thông qua các cuộc kiểm toán thực hiện năm 2014 và 2015.

Cụ thể, vào tháng 2/2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco 408,8 tỷ đồng. Ngày 28/1/2016, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục có công văn kiến nghị truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 đến tháng 9/2015 đối với Habeco 838,2 tỷ đồng (trong đó năm 2012 là 190 tỷ đồng, năm 2013 là 224,4 tỷ đồng; năm 2014 là 231,6 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2015 là 192,1 tỷ đồng).

Tọa đàm về vấn đề truy thu thuế TTĐB với Sabeco và Habeco chiều 6/9
Tọa đàm về vấn đề truy thu thuế TTĐB với Sabeco và Habeco chiều 6/9

Lý giải về các kiến nghị truy thu nói trên, cơ quan kiểm toán cho biết, do giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của công ty cổ phần thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV TM Sabeco như tổng công ty đang thực hiện. Còn tại Habeco, giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của công ty bao tiêu sản phẩm, không phải là giá bán ra tại công ty mẹ như tổng công ty đang thực hiện.

Tuy nhiên, theo khẳng định của doanh nghiệp, từ năm 2007 đến 2015, Sabeco và Habeco đã thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế. Việc kiến nghị truy thu thuế của Kiểm toán Nhà nước là do Kiểm toán Nhà nước xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

Các doanh nghiệp đã có các văn bản giải trình gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài chính về vấn đề này. Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo Kết luận của Kiểm toán nhà nước.

Tại cuộc tọa đàm mới đây diễn ra giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong vụ việc này, việc giải thích luật đang được trao cho cơ quan kiểm toán, kiểm toán giải thích luật theo cách của mình và áp truy thu. Trước đó, Cục thuế TPHCM và các cơ quan thuế khác, đáng ra khi có cách hiểu khác nhau thì nên hiểu theo cách có lợi cho doanh nghiệp, song ở đây lại ngược lại.

"Việc kiên quyết áp dụng hồi tố kiểu này quá nguy hiểm và tạo ra một tiền lệ quá xấu cho làm ăn kinh doanh ở Việt Nam", ông Tuấn đánh giá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, ở các nước, bề dày luật pháp lên tới hàng trăm năm mà vẫn có lỗ hổng, do đó, xảy ra lỗ hổng trong hệ thống luật pháp giai đoạn còn đang hoàn thiện pháp luật là bình thường. Khi nói doanh nghiệp "lách luật", có nghĩa là luật pháp có lỗ hổng để doanh nghiệp có thể "lách", doanh nghiệp không phạm tội, không vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp của Sabeco và Habeco, ông Cương cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo các văn bản hướng dẫn của cục thuế địa phương, việc nộp thuế hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính lại yêu cầu thực hiện truy thu thuế theo kết luận Kiểm toán, vậy trong quá trình trên, cơ quan thuế sai hay kết luận Kiểm toán sai? - vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề. Do đó, theo ông Cương, nếu cơ quan thuế hướng dẫn sai thì cơ quan thuế phải là người chịu hậu quả chứ không thể "nay nói thế này mai nói thế khác".

"Trước đây kiểm toán thấy nộp đúng, sau đó, cũng đơn vị kiểm toán đó con người đó lại bảo phải truy thu. Cơ quan Nhà nước nói thế nào cũng được, muốn kết luận về doanh nghiệp thế nào cũng được là không được. Như thế là thể hiện sự cửa quyền", ông Cương nêu quan điểm.

Hiện tại, cổ đông Nhà nước đang sở hữu gần 90% vốn điều lệ Sabeco và 82% vốn điều lệ Habeco. Ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ mối quan ngại, ngay cả những tổng công ty Nhà nước lớn như vậy mà cái oan của mình muốn kêu lên cũng nhạy cảm, lãnh đạo doanh nghiệp dù muốn kêu cũng ngại xuất hiện. Theo ông Tuấn, rõ ràng, rủi ro trong kinh doanh ở Việt Nam không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mới gặp phải.

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2016 này, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 81,79% tại Habeco tương đương với 9.000 tỷ đồng và thoái đợt 1 với tỷ lệ 53,59% vốn tại Sabeco tương đương 24.000 tỷ đồng. Trước thời điểm thoái vốn, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hai doanh nghiệp trên sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá đấu để bán cổ phần sẽ được căn cứ vào mức giá do tư vấn đưa ra và căn cứ vào giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên đang giao dịch trên sàn.

"Tôi không bảo vệ cái sai. Nếu doanh nghiệp sai thì tôi đề nghị xử lý nghiêm, nhưng theo nhìn nhận của tôi về vụ việc này thì doanh nghiệp không sai. Tôi nghĩ, với chủ trương là đưa Sabeco, Habeco lên sàn thì đây là bài toán nan giải vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc niêm yết của hai doanh nghiệp này", đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương lo ngại.

Chính vì vậy, ông Cương và các đại diện Bộ Công Thương, VCCI có mặt tại tọa đàm cho rằng, trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, không nên ép các doanh nghiệp phải tạm nộp số tiền truy thu nói trên, cụ thể là khoản tiền hơn 800 tỷ đồng với Habeco, vì đây là một khoản tiền khổng lồ đối với doanh nghiệp.

Bích Diệp