Vì sao người giàu ở Nhật không thích sở hữu biệt thự, siêu xe?

Ở đất nước mặt trời mọc, hàng xóm của bạn có thể là một triệu phú nhưng bạn hoàn toàn không hay biết bởi nhà của họ không khác gì nhà bạn. Người giàu không thích xây biệt thự, sắm siêu xe, vậy họ tiêu tiền vào việc gì?

Người Nhật không thích trở thành tâm điểm chú ý nên họ thường không phô trương sự giàu có. Không có gì ngạc nhiên nếu bạn thấy ngôi nhà của một triệu phú giống hệt các ngôi nhà bình thường khác.

Vậy làm sao để nhận diện người giàu ở Nhật? Theo Atsushi Miura, tác giả cuốn sách “The New Rich” (Thế hệ người giàu mới), một người được xếp vào dạng giàu ở Nhật là có thu nhập trung bình hàng năm trên 30 triệu yên (hơn 6 tỷ đồng), và có tổng tài sản tối thiểu là 100 triệu yên (hơn 20 tỷ đồng). Hiện có khoảng 1,3 triệu người Nhật (chiếm 1% dân số) đạt ngưỡng giàu theo tiêu chí này.

Một cách khác để nhận diện là những người giàu ở Nhật thường có xu hướng sống nhờ vào lợi tức có được từ các tài sản của họ mà không cần động vào những tài sản này.


Người giàu Nhật không thích sở hữu biệt thự, siêu xe. Họ tiêu tiền chủ yếu cho nghệ thuật và đi du lịch.

Người giàu Nhật không thích sở hữu biệt thự, siêu xe. Họ tiêu tiền chủ yếu cho nghệ thuật và đi du lịch.

Trong nghiên cứu của mình, Miura chỉ ra rằng, người giàu ở Nhật có xu hướng tránh phô trương sự giàu có của họ. Họ không xây biệt thự, lâu đài, luôn giữ tâm niệm rằng “không ném tiền ra cửa sổ một cách bừa bãi”.

Tuy nhiên, giới thượng lưu Nhật sẽ tiêu tiền vào những thứ họ thích, đặc biệt là những thứ không thể cầm nắm. Họ sẽ thích tiêu tiền để bảo trợ cho các môn nghệ thuật, đi nghe hoà nhạc hơn là siêu xe hay đồ trang sức đắt tiền. Họ đi du lịch thường xuyên, đặc biệt là đi biển bằng tàu thuỷ.

Miura cũng phát hiện rằng, người giàu Nhật đang tìm kiếm những món đồ trong nước nhiều hơn. Họ mua các sản phẩm nội địa và đi du lịch trong nước. Họ thích một chai rượu Nhật hảo hạng hơn là rượu ngoại, thích các tác phẩm nghệ thuật của Nhật hơn của phương Tây.

Hành động này không đơn thuần là sở thích mà còn thể hiện trách nhiệm công dân của họ đối với đất nước. Người giàu Nhật nhận thức được vị trí của họ trong xã hội, và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ.

Tuy nhiên, giới thượng lưu Nhật tìm cách tránh nộp thuế cho các tài sản của mình bằng cách giữ những tài sản này ở nước ngoài. Và để quản lý tình trạng này, từ năm 2015 chính phủ Nhật đã đưa ra quy định những người sở hữu tài sản ở nước ngoài với trị giá hơn 50 triệu yên (hơn 10 tỷ đồng) buộc phải khai báo.

Một đặc điểm khác của thế hệ người giàu mới ở Nhật là họ ý thức được sự giàu có, trong khi những người giàu trước đây không để tâm đến sự giàu của họ. Lý do chính bởi người giàu ngày nay giàu lên bằng sự nỗ lực và tài năng của chính họ.

Ngay cả những người giàu nhờ thừa kế từ cha ông thì họ vẫn kiếm việc làm và làm việc suốt đời. Không có khái niệm “người giàu ăn không ngồi rồi” ở Nhật.


Dù được thừa kế tài sản kếch xù từ cha mẹ, những đứa trẻ Nhật vẫn đi học, kiếm việc làm và làm việc suốt cuộc đời.

Dù được thừa kế tài sản kếch xù từ cha mẹ, những đứa trẻ Nhật vẫn đi học, kiếm việc làm và làm việc suốt cuộc đời.

Không "ngồi mát ăn bát vàng"

Trên thực tế, những đứa trẻ nhận thừa kế từ gia đình và thứ khiến chúng trở nên giàu có không phải chỉ là tiền thừa kế mà là nhờ có công cụ để kiếm tiền. Nhờ tiền thừa kế mà họ được giáo dục tốt nhất và hiểu cách đồng tiền vận hành, thứ mà những người bình thường khó có thể tiếp cận.

Quan điểm này được thể hiện đầy đủ hơn trong chương trình tài chính của Đài Tokyo mang tên “Nikkei Plus 10”. Trong chương trình, ông Junji Hatoriya, cán bộ của Viện nghiên cứu Nomura tiết lộ về cách người giàu duy trì sự thịnh vượng của họ trong khi tầng lớp trung lưu vẫn loay hoay tìm cách đuổi theo. Ông Hatoriya chỉ ra 3 yếu tố chính giúp những người có thu nhập cao sẽ trở thành tầng lớp giàu trong tương lai.

Yếu tố thứ nhất là những đứa trẻ con nhà giàu. Nghiên cứu của Nomura chỉ ra rằng những đứa trẻ con nhà giàu không nhất thiết phải thừa kế hoặc mong chờ thừa kế tài sản của cha mẹ để trở nên giàu có. Thay vào đó, họ học cách đầu tư từ chính cha mẹ mình. Chỉ 8% trẻ con nhà thường dân có kinh nghiệm trong đầu tư, trong khi trẻ con nhà giàu có tới 24% có kinh nghiệm này, và 52% sở hữu cổ phiếu của riêng mình.

Yếu tố thứ hai là “sức mạnh cặp đôi” được Nomura định nghĩa là những cặp vợ chồng cùng đi làm để kiếm tiền về cho gia đình với tổng thu nhập tối thiểu là 10 triệu yên một năm. 44% các cặp đôi này có kinh nghiệm đầu tư, trong khi các cặp đôi bình thường khác là 15%.

Điều dễ nhận thấy là các cặp đôi sức mạnh này đều thuê chuyên gia tư vấn tài chính để giúp họ lập kế hoạch đầu tư, quản lý tiền một cách hiệu quả bởi họ thường không có đủ thời gian để làm việc này. Họ tiêu tiền thoải mái nhưng chủ yếu vào những thứ giúp họ có nhiều thời gian rảnh hơn, ví dụ như dịch vụ dọn dẹp nhà cửa.


Dù đã nghỉ hưu, người già ở Nhật vẫn rất sành công nghệ, họ dành thời gian online để cập nhật tin tức từ thế giới, học thêm kiến thức về đầu tư tài chính.

Dù đã nghỉ hưu, người già ở Nhật vẫn rất sành công nghệ, họ dành thời gian online để cập nhật tin tức từ thế giới, học thêm kiến thức về đầu tư tài chính.

Yếu tố cuối cùng được Nomura nhắc đến là “những người già công nghệ”. Đó là những người già đã nghỉ hưu nhưng vẫn rành về công nghệ và dành nhiều thời gian để online. Họ hiểu cách thế giới đang vận hành và tự nâng cao kiến thức đầu tư cho bản thân thông qua internet.

Họ không mua bán chứng khoán qua internet. Họ vẫn thực hiện theo cách cũ, thông qua các công ty môi giới. Tuy nhiên nhờ kiến thức về các xu hướng tài chính, họ có thể nói chuyện với các chuyên gia tư vấn và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Nomura ước tính hiện có khoảng 8,8 triệu người già công nghệ, người có tổng tài sản từ khoảng 26 triệu yên. Trong khi những người già bình thường khác có tổng tài sản khoảng 14 triệu yên. Con số này là minh chứng cho thấy đã đến lúc bạn cần trả tiền để học cách sử dụng máy tính.

Theo Kim Minh
VietnamNet/Japantimes