1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người giàu ở Nhật và cách sống "lẫn trong đám đông"

Ở Nhật, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của bạn là một triệu phú bởi nhà của ông ấy trông cũng giống nhà của bạn....

Suốt bao nhiêu thập kỷ qua, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trên thế giới đó là khoảng cách chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng rộng ra. Tại Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế phát triển khác, luôn có những khu dành riêng cho nhà giàu, giới nhà giàu đi siêu xe xài trực thăng và tự sống tách biệt ra khỏi cộng đồng.

Thế nhưng ở Nhật người giàu cư xử rất khác người giàu các nước phát triển khác, hay ít nhất họ thường thể hiện ra như vậy. Người giàu thường sống lẫn vào trong đám đông. Đó là những miêu tả về người giàu ở Nhật trong một bài báo mới đây trên Japan Times.

Ở Nhật người ta hay nói với nhau rằng có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của bạn là một triệu phú bởi nhà của ông ấy trông cũng giống nhà của bạn.

Lý giải cho việc người giàu Nhật không thích khoe khoang tài sản có lẽ bắt nguồn từ quan niệm không nên nổi trội trong đám đông của giáo dục Nhật. Những năm gần đây, khi thị trường chứng khoán Nhật không ngừng tăng điểm, giới truyền thông Nhật đang nhắc nhiều hơn đến những người siêu giàu (cho-fuyuso).

Vậy có bao nhiêu tiền thì được coi là siêu giàu ở Nhật? Theo tác giả cuốn sách “The New Rich”, ông Atsushi Miura, trong ngành tài chính, một người sẽ được coi là giàu nếu thu nhập của người đó mỗi năm hơn 30 triệu yên và có tài sản ít nhất 100 triệu yên. Hiện có khoảng 1,3 triệu người Nhật tức khoảng 1% dân số có lượng tài sản như trên. Người giàu sẽ chỉ cần sống bằng lợi suất từ số tài sản trên chứ không cần phải động đến khối tài sản đó.

Cũng trong nghiên cứu của mình, ông Miura chỉ ra rằng người giàu ở Nhật thường rất tránh phô trương. Họ không thích xây dựng những dinh thự hoành tráng chỉ để cho thiên hạ biết rằng mình giàu. Họ thích dùng tiền cho những thứ mà họ thích cũng như thường thích những tài sản có giá trị vô hình.

Ví dụ như họ thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, đi nghe hòa nhạc hơn là mua sắm xe ô tô thể thao sang trọng hay mua sắm đồ trang sức đắt tiền. Họ đi du lịch rất nhiều và thuê riêng những chuyến du thuyền sang trọng để đảm bảo sự riêng tư.

Người giàu Nhật rất yêu nước, họ mua hàng Nhật và đi du lịch nội địa. Họ thích mua rượu Nhật siêu đắt chứ không thích rượu nước ngoài, thích trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Nhật, không hứng thứ nhiều lắm với nghệ thuật phương Tây. Đối với họ, câu chuyện ở đây không chỉ là vấn đề thị hiếu mà tiêu tiền cũng thể hiện trách nhiệm công dân.

Những người Nhật mới giàu lên hiểu vị thế của họ trong xã hội và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ. Nói cách khác, họ hiểu chương trình kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đến từng chi tiết.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, nhiều người giàu Nhật vẫn muốn trốn thuế và họ vẫn tìm cách để giấu tài sản ở nước ngoài. Chính vì vậy thời gian gần đây, chính phủ Nhật đã yêu cầu những tỷ phú có tài sản ở nước ngoài trên 50 triệu USD buộc phải khai báo.

Quan điểm dạy con của người Nhật giàu có

Đối với người giàu ở Nhật, việc để lại tài sản cho con cháu không quan trọng bằng dậy chúng cách làm giàu, tiêu tiền và gìn giữ tài sản. Họ đặc biệt quan tâm đến việc mang đến cho con những cơ hội giáo dục tốt nhất, hiểu cách vận động của dòng tiền trong xã hội, cách kiếm tiền.

Theo nhà nghiên cứu Junji Hatoriya thuộc tổ chức Nomura Research, có rất nhiều điểm khác biệt giữa con cái của những người giàu và những người bình thường ở Nhật. Con cái của nhà giàu Nhật không nhất thiết quan tâm đến việc thừa kế, thay vào đó, họ quan tâm hơn đến việc nhìn vào những gì cha mẹ họ đã làm và tự lập ra chiến lược đầu tư riêng cho mình.

24% con cái của những người giàu có tài sản trên 100 triệu yên có kinh nghiệm đầu tư, 52% có danh mục đầu tư riêng trong khi con số này với toàn bộ dân số Nhật chỉ ở mức 8%. Cũng theo Nomura, bố mẹ giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên kinh nghiệm đầu tư cho con cái. Nomura đưa ra định nghĩa “cặp đôi quyền lực”, đó là những gia đình với hai bố mẹ đi làm và kiếm mỗi năm 10 triệu yên. Trong nhóm này, có đến 44% có kinh nghiệm đầu tư, tương tự tỷ lệ này với đại chúng chỉ là 15%.

Một đối tượng người giàu khác được Nomura nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình chính là những người giàu Nhật rất sành công nghệ. Họ đã về hưu và họ có rất nhiều tiền, đồng thời cũng biết sử dụng máy tính thành thạo. Họ tự tìm hiểu về thế giới và học về đầu tư thông qua mạng Internet.

Họ không tự giao dịch mua cổ phiếu qua mạng mà vẫn phải cần thông qua môi giới, nhưng bởi nắm vững về xu thế tài chính, họ đưa ra được rất nhiều những quyết định đầu tư đúng đắn và có thể nói chuyện với con họ và bạn bè về đầu tư.

Nomura ước tính có khoảng 8,8 triệu người giàu Nhật thuộc nhóm này, tài sản của họ trung bình khoảng 26 triệu yên Nhật.

Theo Minh Tuấn
VnEconomy

Người giàu ở Nhật và cách sống "lẫn trong đám đông" - 1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm