Vì sao gió hiu hiu là DN xuất khẩu gạo, nông dân trồng lúa ngã bệnh?
(Dân trí) - (Dân trí) Ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói: “Giá lúa bắt đầu giảm là nông dân, DN kêu khó khăn ngay. Vì sao gió mới hiu hiu là nông dân trồng lúa, các DN xuất khẩu gạo ngã bệnh? Cần phải liên kết sản xuất, gắn liền với tiêu thụ thì mới mong xóa được chuyện “giải cứu” nông sản như thời gian qua”.
Không nên hoang mang….
Ngày 26/02/2019, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, dịch vụ trong nước mà còn tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, hạt gạo Việt Nam đã xuất đến 150 quốc gia và nhiều năm liền, Việt Nam luôn đứng trong tóp 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: "Hiện nay ngành lúa gạo của Việt Nam cần có những bước đi mang tính bền vững hơn". Do đó, ông mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến thiết thực từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan.
Đại diện Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng, giá lúa, gạo giảm nằm trong dự báo của công ty nên với doanh nghiệp đây là chuyện bình thường. Ngay từ đầu năm, công ty đã triển khai thu mua gạo và theo kế hoạch sẽ thu mua 1,6 triệu tấn gạo, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm đến 80% sản lượng.
"Hiện nay các đối tác đã quay trở lại đàm phán mua gạo của công ty, cụ thể đã có đơn hàng 0,5 triệu tấn. Tuy nhiên để thúc đầy việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân cần có sự vào cuộc của các DN, chứ không riêng gì hai tổng công ty lương thực", đại diện Vinafood 1 nói.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An
Một DN khác, cho rằng, không nên hoang mang khi giá lúa giảm. Vì giá gạo năm 2018 ở mức cao nên 2019 các DN đã dự báo tình hình sẽ khó khăn, giá gạo không thể tăng hơn nữa. Do vậy, các DN cần tập trung vào việc mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Tây Á, Châu Phi. Không chạy theo số lượng xuất khẩu mà nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), phát biểu thẳng thắn: “Vì sao chúng ta loay hoay tìm kiếm mô hình phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam, trong khi mô hình này có rồi. Đó là mô hình cánh đồng liên kết, chỉ có cánh đồng liên kết mới giải bài toán đầu ra cho nông dân, nông dân không phải lo giá lúa lên, xuống hay bán cho ai. Như vậy, tại sao chúng ta không thực hiện được, trong khi cơ chế chính pháp, pháp luật điều đầy đủ".
"Theo tôi lí do không thực hiện được cánh đồng liên kết là thiếu vốn đầu tư thực hiện mô hình này. Đã đến lúc ngân hàng nhà nước cần xem lại để hỗ trợ vốn cho các DN thực hiện cánh đồng liên kết, vì đây cũng là cách hỗ trợ cho người dân hữu hiệu nhất. Thực hiện được việc này, Nhà nước không phải lo giải cứu lúa, gạo nữa. Nhiều năm qua, DN chúng tôi bán được nhiều gạo, giá cao cũng nhờ mô hình liên kết này”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trăn trở vì sao, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của nước nhưng cà chục triệu dân vùng này đang sống khó khăn nhất
Ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trăn trở: “ ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng bà con sống nơi đây là những người đang khổ nhất. Giá lúa hiện nay so với trước tết giảm khoảng 1.000đồng/kg. Thời gian tới bà con ngoài việc lo không bán được lúa còn phải lo đối mặt với hạn mặn, thiên tai… Trước mắt, tỉnh đã làm việc với các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa cho nông dân; các ngân hàng cũng đã cam kết đủ vốn cho các DN. Tuy nhiên, vì sao mỗi lần giá lúa giảm hay các mặt hàng nông sản khác là bắt đầu câu chuyện giải cứu".
"Vì sao gió hiu hiu là các DN, nông dân đã bệnh rồi? Phải có chính sách giá theo kiểu, nông dân trồng giống lúa đó có lời 4.500đồng, nếu giá xuống nữa thì Nhà nước bù vào…không phải lo giải cứu. Người dân chỉ biết trồng lúa, còn khâu tiêu thụ, bán phải do Nhà nước”, ông nêu câu hỏi.
Thời điểm thu mua lúa tốt nhất
Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị. Năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng lúa dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu nói đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây trồng, hoa màu có giá trị khác. Đặc biệt, riêng ngành lúa gạo cần phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng gạo, áp dụng các qui định về quy trình sản xuất, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng chỉ có liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX mới giúp bà con nông dân trồng lúa không còn "ngòi trên đóng lửa" như hiện nay
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Minh Hoan, chia sẻ: “Chúng ta cần thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu nhưng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân Đồng bằng. Đến nay, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng”. Như vậy, nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”. Và mô hình HTX là cứu cánh của nông dân trong bối cảnh nền nông nghiệp như hiện nay…”
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng đã đến lúc phải xem lại con số xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo/năm. Theo phân tích thống kê, nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới thì ở Việt Nam xuất khẩu ở mức 5 triệu tấn là vừa, không rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. Với ngành công thương thời gian tới tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống mở rộng các thị trường tiềm năng, ổn định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VIệt Nam Lê Minh Hưng cam kết, hệ thống ngân hàng luôn đủ vốn để các DN tiếp cận mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân
Trước nỗi lo của các DN về vấn đề vay vốn để thiêu thụ lúa gạo cho nông dân, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, cam kết tại Hội nghị rằng luôn đủ vốn cho các DN vay tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tham gia cho DN vay thu mua tạm trữ lúa gạo hưởng mức ưu đãi lãi suất 6%/năm, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng găp gỡ DN tháo gỡ khó khăn, nhất là hồ sơ, thủ tục, điều kiện vay vốn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương các DN vào cuộc thu mua lúa gạo cho nông dân nhưng thời gian tới Bộ, các ngành liên quan cần kiểm tra xem các DN có thực hiện đúng như cam kết
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, nhanh, kịp thời của chính quyền các tỉnh ĐBSCL; sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và sự thể hiện trách nhiệm của các DN xuất khẩu gạo khi đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân. Theo Bộ trưởng Cường, đây là thời điểm tốt nhất để các DN thu mua lúa gạo trong dân, vì đã có ngân hàng hỗ trợ vốn, lãi suất; chất lượng lúa tốt và thị trường tiêu thụ gạo đã bắt đầu khởi sắc.
Về giải pháp lâu dài để ngành lúa gạo Việt Nam không rơi vào vòng lẩn quẫn “được mùa mất giả; giải cứu…”, thì cần tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường theo cơ cấu giảm diện tích gieo trồng. Tập trung phát triển giống lúa chất lượng, tăng diện tích hoa màu có giá trị cao, đầu tư hạ tầng thủy lợi, tăng áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Riêng các tỉnh ĐBSCL cần đẩy mạnh tính liên kết giữa DN và nông dân thông qua cánh đồng liên kết, tiêu thụ lúa gạo. Có như vậy, mới chấm dứt tình trạng giải cứu nông sản như thời gian qua.
Ngày 19/02/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc. Đồng thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam (Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông - Trung Quốc (FVC). Hai bên sẽ thực hiện ngay Bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019. Những sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại ĐBSCL có những diễn biến chuyển động tích cực. Giá lúa tươi tăng 200đ/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165đ/kg.
Nguyễn Hành