Vì sao giá xăng chỉ giảm 40-80 đồng/lít?

Ghi Du

(Dân trí) - Giá xăng dầu thế giới kỳ vừa qua giảm chủ yếu do lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và thị trường vẫn tiếp tục theo dõi các động thái chính sách của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ.

Từ chiều 21/11, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giảm 40 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và giảm 80 đồng/lít với xăng RON 95. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.670 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.780 đồng/lít.

Lý do giá xăng chỉ giảm 40-80 đồng/lít, theo cơ quan quản lý, là thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/11 đến 21/11) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và thị trường vẫn tiếp tục theo dõi các động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)…

Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm đối với xăng RON 95, xăng RON 92, dầu hỏa và diesel, riêng dầu mazut tăng nhẹ.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá là 95 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 0,6% so với kỳ trước); 100,8 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,4% so với kỳ trước).

Vì sao giá xăng chỉ giảm 40-80 đồng/lít? - 1

Giá xăng giảm rất nhẹ sau 4 lần tăng liên tiếp (Ảnh: Mạnh Quân).

Thực tế, giá xăng tại phiên điều chỉnh ngày 21/11 thậm chí có thể tăng nhẹ nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít.

Liên bộ cho rằng mục đích là có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Việc giảm giá xăng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.