Bộ Công Thương đề nghị cho 5 doanh nghiệp đầu mối được nhập tiếp xăng dầu

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - 5 doanh nghiệp đầu mối từng bị phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép 1 tháng, sau đó được tạm dừng hình thức phạt rút giấy phép. Bộ Công Thương đề xuất Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi để 5 đơn vị này được nhập tiếp xăng dầu.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu. Việc này theo Bộ Công Thương, nhằm để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, phục vụ sản xuất và đời sống người dân, đảm bảo hệ thống kinh doanh xăng dầu ổn định.

Cụ thể, các doanh nghiệp này bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Các doanh nghiệp này hiện được tạm đình chỉ rút giấy phép. Trước đó, 5 công ty trên bị phạt vi phạm hành chính và tạm tước giấy phép 1 tháng là do vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.

Sau đó, Thanh tra Bộ Công Thương đã ra thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối nêu trên.

Bộ Công Thương đề nghị cho 5 doanh nghiệp đầu mối được nhập tiếp xăng dầu - 1

Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương (Ảnh: Văn Hưng).

Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 9 năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp để trước mắt xử lý phạt hành chính với 5 doanh nghiệp đầu mối nêu trên với hình thức tước giấy phép theo tinh thần trên sẽ vẫn áp dụng nhưng trong thời điểm phù hợp.

"Cần căn cứ vào 3 nguyên tắc xử lý là xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật, song cũng phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa qua. Thêm nữa, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đang xử lý và hy vọng cố gắng tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong thời điểm hiện nay", ông Hải nói.

Tuy nhiên, phía Tổng cục Hải quan sau đó đã có văn bản "thúc" Bộ Công Thương làm rõ về việc thi hành các quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nêu trên.

Theo Tổng cục Hải quan, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quy định xử phạt trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định việc tạm dừng, hoãn thi hành hình thức phạt bổ sung mà chỉ quy định hoãn thi hành hình phạt tiền. Khoản 12 Điều 12 của Luật cũng nêu rõ việc trì hoãn chấp hành quyết định xử phạt hành chính là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính.

Tổng cục Hải quan nêu rõ việc Bộ Công Thương đến nay chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định hoặc tạm đình chỉ thi hành việc rút giấy phép với 5 doanh nghiệp nên quyết định xử phạt vẫn có giá trị.

Bộ Công Thương cần xác nhận lại bằng văn bản với cơ quan hải quan các vấn đề trên để có căn cứ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối.

Hiện thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn nhiều phức tạp, hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động còn xảy ra tại nhiều địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm