Thừa Thiên - Huế:

Vì sao giá nước tăng cao ở Huế?

(Dân trí) - PV Dân trí đã có buổi làm việc với Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước TT-Huế (HueWACO) về việc giá nước Huế tăng đột biến để bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân tăng đang gây nhiều dư luận tại Huế.<br><a href='http://dantri.com.vn/kinh-doanh/keu-troi-vi-gia-nuoc-tang-dot-bien-cao-nhat-viet-nam-737578.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Kêu trời vì giá nước tăng đột biến "cao nhất Việt Nam"!</b></a>

Tại buổi làm việc có ông Trương Công Nam, Giám đốc HueWACO, ông Mai Duy Tường, Trưởng ban thông tin tuyên truyền & Hoạt động cộng đồng và ông Trương Ngự Bình, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng HueWACO.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng giá nước

Theo ông Nam, có nhiều nguyên nhân phải tăng giá nước. Cụ thể, qua hơn 2 năm thực hiện giá nước cũ, giá nước ở Huế vẫn đang ở trong mức thấp so với toàn quốc và nằm trong mức thấp theo khung giá nước quy định của Bộ Tài chính do chưa được tính đúng, tính đủ. Nền kinh tế vẫn lạm phát ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Trong 2 năm, lạm phát tăng gần 30%. Từ 2010 đến nay, giá điện đã tăng 5 lần, tăng 30,6%, giá hóa chất xử lý nước cũng tăng cao nên làm chi phí sản xuất tăng cao so với giá bán bình quân, gây khó trong tích lũy vốn để tái đầu tư, nhất là đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước, phát triển cấp nước về vùng nông thôn, miền núi và mở rộng sản xuất.

Mỗi năm công ty phải bỏ ra 30-40 tỷ để cấp nước về nông thôn. Nhiều cái phải tự lo hết dù lỗ liên miên nhưng ngân sách tỉnh rất ít, các chương trình mục tiêu quốc gia về Huế cũng không nhiều. Một ví dụ nhỏ như nhà máy nước ở huyện miền núi Nam Đông, 1 tháng doanh thu được 6 triệu đồng nhưng 2 công nhân vận hành lương đã gần 10 triệu rồi chưa kể các khoản khác nhưng chúng tôi vẫn duy trì vì lý do an sinh xã hội ở vùng cao.

Sau 20 năm, chúng tôi không tích lũy được vốn với mức vốn âm. Có khi bị nợ phải đi vay vài chục tỷ với mức lãi cao để thi công công trình, nói ra không ai tin nhưng thực tế nó vậy, chúng tôi không đặt điều làm gì.

Hệ thống đường ống sau 20 năm khai thác đã vượt quá công suất, quá tải và đang rất cũ kỹ. Hiện tỉnh TT-Huế sẽ vay 81,4 triệu USD từ nguồn ADB để đầu tư hệ thống đường ống mới. Kế hoạch sẽ làm đến 2020 để đảm bảo cơ sở hạ tầng nước được vững chắc.

“Tuy nhiên, phía ADB thúc đẩy chúng tôi phải có lộ trình tăng giá nước, mỗi năm phải tăng 16% để chứng tỏ năng lực. Nếu không tăng thì sẽ không cho vay và nếu thế, đường ống nước sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm. Hiện đã cố gắng cấp nước cho khu vực nông thôn thuộc dạng nhiều nhất Việt Nam, nhưng vẫn còn hơn 400.000 người dân ở nông thôn TT-Huế vẫn chưa được sử dụng nước sạch trên tổng số hơn 1,2 triệu dân ở tỉnh. Nên phải có đường ống mới thì mới có cơ hội này, và bài toán toàn tỉnh dùng nước sạch sẽ thành công.

Vì vậy, tăng giá nước là một điều tất yếu. Tuy nhiên, dù giá nước sinh hoạt có tăng nhưng ở mức thấp chỉ tăng ở 18%. Và mức tăng này cũng chỉ mới thu về chỉ được 73% chứ chưa được 100%, có nghĩa công ty vẫn phải bù lỗ” – ông Nam nói.

Tăng giá những vẫn phải bù lỗ

Theo HueWACO, giá nước mới từ ngày 1/4/2013 được xây dựng Theo thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của 3 Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giá nước sinh hoạt, kinh doanh sản xuất – dịch vụ đều tăng, trung bình tăng 23%. Nước sinh hoạt được tính khác với trước đây là chia theo các mức lũy tiến, càng dùng nhiều sẽ càng trả tiền nhiều. Lũy tiến sinh hoạt đầu tiên từ 1-2,5m3/người/tháng của Huế là nằm trong thông tư liên tịch 75/2012 của 3 Bộ. Lũy tiến bắt buộc phải làm ở thông tư này. Và mức 2,5m3 theo ông Nam cho biết là không ít vì mỗi người sẽ dùng được 83 lít nước/ngày.

Ở mức giá sinh hoạt 1 (SH1), giá là 4.610đ (chưa có VAT) thì chỉ mới bằng 74,8% giá thành - có nghĩa vẫn đang còn lỗ. Phải đến mức 2 là 6.229đ thì mới bằng 100% giá thành. Do đó, mỗi người sử dụng nước sinh hoạt được hưởng đến 5m3/tháng ở mức thấp hơn hoặc bằng giá tiêu thụ nước sạch bình quân chứ không phải là chỉ 2,5m3.

Nếu hộ nào dùng ở mức 3 trở lên, tức có dùng vào mục đích khác mục địch sinh hoạt thì phải cân nhắc trước khi dùng để không phải trả tiền cao hơn (7.467đ chưa có VAT) và để tiết kiệm đi nhằm dành nước cho những người nghèo còn lại và người chưa có nước ở nông thôn.

 “Vì vậy, người dân đã có sự thoải mái khi dùng đến mức 2 (SH2) là 5m3/người/tháng với giá tiền không gây lỗ cho công ty. Thực chất giá này vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Nếu tính đúng thì phải lên tới 7.484đ thì công ty mới đủ vốn bán ra” - ông Nam giải thích

Vì xây dựng giá SH1 đầu vẫn còn lỗ, cho nên việc làm “bất khả kháng” theo ông Nam, là khi các ban ngành của tỉnh và HueWACO xây dựng giá nước phải theo nguyên tắc bù chéo. Khối phi sinh hoạt (khối hành chính, sản xuất, kinh doanh), mà chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh sẽ bù cho từ giá nước sinh hoạt bị lỗ người dân ở mức SH1.

Vì sao giá nước tăng cao ở Huế?
Ông Trương Công Nam cho biết đang bị nhiều doanh nghiệp hỏi về việc giá nước tăng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của công ty trong thời kỳ kinh tế khó khăn

Hiện, giá nước cơ sở sản xuất và kinh doanh đã tăng lên khá cao từ hơn 1,4-1,5 lần. “Đây là việc làm ngoài ý muốn của công ty. Các doanh nghiệp đã nói chúng tôi nhiều lần. Cá nhân tôi cũng bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp họ tức tôi. Doanh nghiệp phải gánh khoản hơn 20% mức giá lỗ từ nước sinh hoạt của dân. Hướng điều chỉnh trong lần tới là sẽ xem xét đẩy giá nước sinh hoạt lên, giảm giá nước khối sản xuất, kinh doanh xuống. Có nghĩa là xích gần giá nước sinh hoạt với khối kinh doanh này nhằm giảm bù chéo” – ông Nam cho biết về việc bù chéo.

Trao đổi với PV, ông Phan Ngọc Thọ, PCT UBND tỉnh TT-Huế cho hay, giá nước mới đã có tăng ở phần doanh nghiệp, còn trong dân cư không tăng nhiều, dân nghèo không tăng. Cụ thể tăng trung bình 23%. Giá nước tỉnh thấp hơn so với nhiều tỉnh thành, nên phải cân đối để tăng giá. Đã 2 năm qua tỉnh không tăng nên khi tăng 1 lần thì thấy tăng nhiều.

“Lộ trình tăng nước là tất yếu. Bởi lý do, vì Huế thấp hơn 30-40% so với các tỉnh trong địa bàn. Hơn nữa 2 năm vừa rồi không tăng vì tỉnh kiềm chế để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định nhân sinh và lạm phát. Thứ 3, trong triển khai cấp nước toàn tỉnh, Huế phải vay vốn ADB. Nguyên tắc là ADB phải tính đến hiệu quả của cấp nước thì mới cho vay, nên không tăng nước thì không có hiệu quả, mà không có hiệu quả thì không được cho vay.

Nếu không tăng, giá nước Huế so với mặt bằng chung cả nước sẽ vô lý vì rất thấp, sẽ không đủ nguồn thu để đầu tư mở rộng, không đủ điều kiện để đi vay vốn và triển khai dự án nước toàn tỉnh, đảm bảo đến năm 2015 trên 85% dân cư sẽ được cấp nước sạch – 1 chỉ tiêu và dự án rất lớn đảm bảo lâu dài nhân sinh xã hội toàn tỉnh TT-Huế” – ông Thọ nói.

Theo HueWACO, giá nước ở Huế có tăng, nhưng không quá biến động. Cụ thể, trước khi làm giá nước mới, công ty đã tham khảo ở các tỉnh thành khác như Lâm Đồng (2/20111), Phú Thọ (6/2012), Hải Dương (3/2012), Bến Tre (8/2012), Quảng Ninh (6/2012), TP HCM (1/2013) là những đơn vị đã điều chỉnh giá nước theo thông tư mới – đã điều chỉnh rất cao so với giá nước hiện hành của HueWACO.

Ngoài ra, giá nước sạch tại Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác cũng đang có kế hoạch tăng giá trong quý 3/2013 để đáp ứng các chi phí sản xuất, đảm bảo duy trì hoạt động cấp nước ổn định.

Bên cạnh đó, ở mức giá nước một số tỉnh thành lớn khác hiện đang áp dụng theo hộ với chỉ tiêu đầu tiên là 10m3 hay 16m3/hộ/tháng nên về mặt tâm lý, nhìn vào ta thấy thoải mái hơn ở Huế khi áp dụng theo khẩu với mức đầu tiên 1-2,5m3/người/tháng. Nhưng nếu nhân số khẩu trong hộ thì cũng ra tương đương các tỉnh thành khác.

Ông Nam cho biết thêm, giá nước xây dựng cũng phải căn cứ theo thị trường. Vì giá điện, giá vật tư (phí hóa chất, phí máy móc), giá nhân công, điện cứ tăng nhiều lần trong năm, đặc biệt là chi phí khấu hao tài sản mà nhiều nhất trong số đó là các nhà máy tại nông thôn. Lạm phát thì đã đến 35%. Nhưng công ty đến nay 2 năm mới tăng một lần. Giá nước ở Huế trước đây thuộc vào dạng rẻ nhất cả nước. Hiện nay có lên nhưng không quá nhiều.


Đại Dương