Vì sao doanh nghiệp "thờ ơ" với nông nghiệp, nông thôn?

(Dân trí) - Nông nghiệp có nhiều tiềm năng, thị trường nông thôn rộng lớn, thế nhưng hiện cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề nói trên được nêu ra tại cuộc họp bàn mới đây về dự thảo Nghị định của Chính phủ liên quan đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, trong 3 năm qua cả nước chỉ thu hút được 64 dự án ở 23 tỉnh, thành phố (trong đó phần nhiều là các dự án của DN đăng ký thêm).

Theo ông Tuấn, Nghị định quy định Nhà nước hỗ trợ vốn nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm bị bớt đi một nửa, cụ thể: Năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng. Năm 2016 là 78 tỷ đồng và năm 2017 chỉ bố trí tiếp được 32 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ đồng mà Nhà nước cam kết.


Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

Có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

Vì sao rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn? Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là những vướng mắc về đất đai. Trong khi đó, chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của DN.

Nguyên nhân khác là do chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến ngân hàng không thể cho DN vay vốn. Theo Phó Thủ tướng, muốn kêu gọi DN đầu tư thì Nhà nước phải có chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản.

“Chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất, thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy nhiều DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất.

Nhiều DN nói họ không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước, mà nếu Chính phủ có đủ tiền để hỗ trợ cho DN thì cũng không phải là điều ta mong muốn. Quan trọng là phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để không chỉ thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà trong khu vực này nảy nở ngày càng nhiều DN hơn” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đổi tên Nghị định thành phát triển DN trong nông nghiệp, nông thôn thay vì chỉ có khuyến khích DN đầu tư khi nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã có năng lực sản xuất lớn nhưng chưa phát triển thành DN. Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cần đặt vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về giải quyết vướng mắc lớn nhất là về tích tụ ruộng đất, đại diện Tổng cục Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng: Các giải pháp cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự thảo đều có những bất cập so với pháp luật hiện hành nên không dễ thực hiện. Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về lâu dài cần phải có một luật về phát triển DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo ra cơ chế đột phá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong khi chưa xây dựng được luật thì vẫn phải ban hành Nghị định mới với các nội dung phát triển DN trong nông nghiệp, nông thôn. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Châu Như Quỳnh