Nông nghiệp lạc hậu, có nên đập đi xây lại và dựa vào các ông lớn đầu tàu?
(Dân trí) - Cách mạng công nghệ đã, đang và sẽ thay đổi năng lực của người nông dân, không phụ thuộc vào quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Chính vì thế, phải thay đổi tư duy, đào tạo người nông dân để vừa hiện đại hoá nông nghiệp, công nghệ hoá sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc để lại.
Đây là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề tích tụ ruộng đất, vai trò của chính sách Nhà nước và hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.
Tích tụ, mở rộng hạn điền không thể làm ào ạt
Tại Diễn dàn Nông nghiệp mùa Xuân 2017 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với các bên tổ chức tại Hà Nội sáng nay (28/3), các chuyên gia kinh tế đều đưa ra những vấn đề yếu kém của ngành nông nghiệp: sản xuất manh mún, nông nghiệp hàng hóa chất lượng thấp, sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen.... đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng phát triển của nông nghiệp.
Việc Chính phủ đưa gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào nông nghiệp để tạo ra những cánh chim đầu đàn, "cá mập" kéo các DN nhỏ, tiểu hộ sản xuất đang được kỳ vọng thay đổi bộ mặt của nhiều ngành, cây con và nông thôn.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nền tảng nông thôn Việt Nam là sản xuất nhỏ nên cần kết hợp sản xuất hàng hóa và cả tự cung tự cấp nữa, không thể chỉ dựa vào DN lớn được. Hơn nữa, nông thôn đang chứa đựng di sản lớn của dân tộc về văn hoá, tín ngưỡng và ẩm thực, sự đa dạng về giống, loài. Chính vì vậy, phải kết hợp vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch, khai thác lợi thế song song, tương đồng.
Ông Nghĩa lý giải: "Nông nghiệp gắn với văn hóa xã hội, có dân tộc thiểu số, có ẩm thực. Chúng ta có di sản lớn của nông nghiệp, nên phát triển cần đi liền bảo tồn và phát huy chứ không thể “đập đi, phá lại” tất cả để làm mới. Thời buổi cách mạng công nghệ đã đang và sẽ làm thay đổi năng lực của người nông dân, không phụ thuộc vào mô hình lớn hay nhỏ. Chính vì thế, phải thay đổi tư duy, đào tạo người nông dân để vừa hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệ hóa sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc".
TS Lê Xuân Nghĩa nói: "Trước khi làm, chúng ta phải nhớ, ở nông thôn luôn tồn tại doanh nghiệp nhỏ, tiểu hộ, thợ thủ công... Nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì không thể có doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp được. Chúng ta không thể hiện đại hoá, lớn hóa ngành nông nghiệp hàng hóa khi chỉ tập trung vốn và phát triển cho DN lớn, cần phải tạo cơ hội cho DN nhỏ, tiểu hộ phát triển. Việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao không nên ồ ạt, cào bằng. Bài học công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn bị trở ngại, nhiều nơi "bê tông hoá" nông thôn, làng mạc đã minh chứng cho việc chúng ta làm ồ ạt, sai quy trình".
Cần xóa bỏ tư duy: Nghèo mới làm nông nghiệp
Còn theo GS TS Võ Tòng Xuân, Đại học Cần Thơ, muốn thay đổi ngành nông nghiệp dựa vào tích tụ ruộng đất, thay đổi chính sách hạn điền chưa đủ mà còn phải bắt đầu từ người nông dân.
"Tôi rất mừng khi Nhà nước đầu tư vào công nghệ cao, nhưng trở ngại lớn về đất đai, cây trồng và con người đã và đang khiến nông nghiệp Việt Nam khó khăn, không thể bứt phá. Ở Mỹ, chỉ có những người nông dân đi học, có trình độ mới sản xuất nông nghiệp. Còn tại Việt Nam, nghề nông là cha truyền, con nối, sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen. Con em nông dân đi học, ít người quay trở lại làm nông, do đó khu vực nông nghiệp được xem là nghèo hóa nhân lực, khó áp dụng mô hình mới, công nghệ mới", GS Xuân nói.
Về tích tụ ruộng đất, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, quá trình tích tụ ruộng đất cần bảo vệ quyền tài sản của người dân, người dân phải được ký thuê lại đất sản xuất để canh tác và phải hết sức chú ý quyền của người nông dân. Ví dụ như Đài Loan, khi tích tụ ruộng đất, người dân phải được quyền đồng sở hữu. Tại nước ta, thời gian qua, tôi thấy nông dân khi bán đất được một cục tiền thôi, còn sau đó không có đất để sản xuất, đất dồn vào tay đại gia”.
Theo TS Andrew Wells Dang, Chuyên gia cao cấp, tổ chức Oxfam Việt Nam: “Xét cho cùng, nông nghiệp đóng góp một phần tỷ trọng GDP và lợi nhuận của ngành này thường thấp hơn khi so sánh với các hoạt động kinh tế khác. Thay vào đó, Việt Nam lại chú trọng vào công nghiệp hóa, được đánh đồng với hiện đại hóa. Nông nghiệp được coi là trì trệ, thậm chí là “lạc hậu”, là nghề mà chỉ những người nghèo mới làm vì họ không có lựa chọn công việc nào khác”.
Nguyễn Tuyền