1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao cục Thuế TP.HCM liên tục thua kiện?

Gần đây Cục Thuế TP.HCM liên tục thua kiện các doanh nghiệp ở cả hai cấp tòa. Phân tích của tòa trong các vụ kiện có thể coi là bài học kinh nghiệm trong hành thu thuế.

Ngày 14/10 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Luật TNHH Indochina Legal (Công ty Indochina). Tòa tuyên hủy hai quyết định truy thu thuế của cục trưởng và tách yêu cầu đòi bồi thường của doanh nghiệp ra thành vụ kiện khác.

Áp dụng thông tư cũ nên truy thu sai

Tháng 12/2013, Công ty Indochina khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM tuyên hủy phần nội dung truy thu thuế trong các quyết định của cục trưởng Cục Thuế TP.HCM. Đó là các khoản truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2007, 2008 (hơn 247 triệu đồng), thuế GTGT năm 2008, 2009 (khoảng 110 triệu đồng) cùng các khoản phạt vi phạm hành chính do kê khai sai (gần 11,5 triệu đồng), chậm nộp (gần 93 triệu đồng). Đồng thời, công ty này yêu cầu Cục Thuế hoàn trả toàn bộ số tiền liên quan các khoản nói trên mà công ty đã nộp vào ngân sách nhà nước (khoảng 460 triệu đồng).

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định Công ty Indochina được thành lập ngày 23-7-2007 với lĩnh vực hành nghề của công ty là “tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, Indochina là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đủ điều kiện để được miễn thuế TNDN trong hai năm 2007 và 2008, giảm 50% cho ba năm tiếp theo.

Quá trình thanh tra quyết toán thuế tại Indochina, Cục Thuế đã phát hiện tăng số thuế TNDN của thời kỳ miễn thuế nên áp dụng khoản 6 Mục IV Phần E Thông tư 134/2007/TT-BTC (quy định DN không được hưởng miễn thuế đối với số thuế TNDN phát hiện tăng thêm) để truy thu số thuế TNDN tăng thêm này đối với công ty.

Thời điểm thanh tra thuế đối với Indochina là năm 2013. Tại thời điểm này, văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh việc phát hiện tăng số thuế TNDN của thời kỳ miễn thuế có Thông tư số 130/2008/TT-BTC và Thông tư 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thuế TNDN năm 2008. Nhưng Cục Thuế áp dụng Thông tư 134/2007/TT-BTC để điều chỉnh vấn đề nên đã dẫn đến sự tranh chấp về việc áp dụng pháp luật.

Khi xét xử, TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP.HCM cùng áp dụng khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nhận định trường hợp này phải áp dụng quy định tại khoản 10 Điều 18 Thông tư 123/2012/TT-BTC. Việc Cục Thuế truy thu thuế TNDN với Indochina do phát hiện tăng số thuế TNDN của thời kỳ miễn thuế là không đúng pháp luật...

Vì sao cục Thuế TP.HCM liên tục thua kiện? - 1

Dùng công văn ngành để bác thông tư

Cùng ngày 14/10, TAND cấp cao tại TP.HCM cũng bác kháng cáo của cục trưởng Cục Thuế TP, tuyên hủy ba quyết định của cục trưởng Cục Thuế với Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh Hoa Sáng. Đó là các quyết định truy thu thuế DN năm 2007, 2008 (gần 540 triệu đồng) và quyết định phạt vi phạm hành chính hơn 36 triệu đồng.

Theo hồ sơ, Công ty Hoa Sáng đã dùng nhà xưởng có giá trị theo sổ sách kế toán là 15,6 tỉ đồng góp vốn liên doanh với Công ty Hitech, giá trị tài sản góp vốn được định giá lại lên gần 24,3 tỉ đồng, chênh lệch hơn 8 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế cho rằng khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định góp vốn liên doanh là khoản thu nhập khác để từ đó tính thuế TNDN.

Theo tòa sơ thẩm và phúc thẩm, việc xác định như Cục Thuế là không chính xác. Bởi lẽ tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế TNDN có quy định các khoản thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế. Trong các khoản này không có quy định khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản cố định đem đi góp vốn liên doanh là khoản thu nhập chịu thuế khác.

Ngoài ra, Thông tư số 134/2007 của Bộ Tài chính quy định “doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Mặt khác, phần chênh lệch do đánh giá lại tài sản phát sinh năm 2007 thì phía DN đã lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế TNDN và nộp cho Cục Thuế. Việc cục trưởng Cục Thuế viện dẫn công văn của Tổng cục Thuế và Công văn 8819/BTC-TCT ngày 29-7-2008 của Bộ Tài chính ra đời sau này để truy thu thuế TNDN với các khoản nêu trên là không đúng.

Hiểu sai bản chất vấn đề

Ngoài ra, Cục Thuế TP còn truy thu thuế TNDN năm 2007, 2008 đối với chi phí trả lãi vay (khoảng 440 triệu đồng) do Công ty Hoa Sáng mượn tài sản là bất động sản của hai cá nhân và nhờ hai người này đứng tên bảo lãnh thế chấp vay tiền tại Ngân hàng EximBank. Cục trưởng Cục Thuế cho rằng đây không phải là trường hợp chỉ vay tiền từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính mà thuộc trường hợp vay từ đối tượng khác nên phải bị truy thu thuế.

Tòa xét thấy việc trả lãi này thực chất đó là thỏa thuận về trả khoản chi phí bảo lãnh, chi phí này được xác lập theo sự thỏa thuận của hai bên, không trái nguyên tắc dân sự. Do vậy, về bản chất đây không phải là trả lãi vay cho các đối tượng cá nhân. Trường hợp này phải xem khoản tiền mà Công ty Hoa Sáng trả cho hai cá nhân theo hợp đồng thỏa thuận giữa Công ty Hoa Sáng và hai người này là trả cho khoản chi phí bảo lãnh chứ không phải là trả tiền lãi vay.

Theo tòa, việc Công ty Hoa Sáng vay tiền là vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính chứ không phải từ “đối tượng khác”. Do vậy khoản chi phí này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 128/2003/TT-BTC và Thông tư 134/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cục trưởng Cục Thuế cộng khoản chi phí bảo lãnh mà DN trả cho hai cá nhân với khoản lãi trả cho Ngân hàng EximBank làm vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cao nhất cùng thời điểm, từ đó truy thu thuế TNDN là không đúng quy định pháp luật.

Rõ ràng trong vụ trên, Cục Thuế đã hiểu sai bản chất vấn đề.

Tương tự, trong vụ Công ty Cổ phần Thương mại Phú Lễ Việt Nam kiện cục trưởng Cục Thuế TP.HCM mà TAND TP.HCM mới xử gần đây cũng thế. Cục Thuế có quyết định truy thu và phạt Phú Lễ gần 5,6 tỉ đồng (gồm 1,6 tỉ đồng thuế GTGT, gần 2,8 tỉ đồng thuế TNDN, phạt chậm nộp gần 320 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính gần 830 triệu đồng...).

Theo hồ sơ, Công ty Phú Lễ bán sỉ rượu nếp và rượu chuối hột, có hợp đồng với đại lý kèm thỏa thuận nếu đại lý mua hàng đạt doanh số trên 100 triệu đồng thì được hưởng chiết khấu thương mại 5%. Khi thanh tra, Cục Thuế cho rằng khoản chiết khấu này không được chấp nhận, xem đây là khuyến mãi. Do đó, Cục Thuế xác định lại doanh thu của Phú Lễ rồi truy thu thuế TNDN.

Cuối cùng, tòa khẳng định chiết khấu thương mại không đồng nghĩa với khuyến mãi và tuyên hủy các quyết định của Cục Thuế.

Cục Thuế có thể bị kiện đòi bồi thường

Trong vụ Indochina kiện cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ngoài việc yêu cầu hủy quyết định sai của Cục Thuế, người khởi kiện còn yêu cầu Cục Thuế bồi thường theo mức phạt chậm trả trên số tiền thuế đã đóng vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, Indochina yêu cầu bồi thường gần 50 triệu đồng (mức phạt chậm trả tính từ ngày công ty nộp số tiền truy thu vào ngân sách nhà nước đến ngày khởi kiện).

TAND TP.HCM cho rằng đây là yêu cầu không có cơ sở pháp lý nên tuyên bác. Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định không thể giải quyết chung trong vụ án vì nó thuộc một trình tự tố tụng khác, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Từ đó tòa tuyên hủy quyết định phần này của cấp sơ thẩm, dành quyền cho Công ty Indochina khởi kiện Cục Thuế bằng một vụ kiện khác.

 

Theo Hoàng Yến
Pháp luật TPHCM

Vì sao cục Thuế TP.HCM liên tục thua kiện? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm