Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Mất khoảng 13% so với giá giao dịch hồi đầu năm và 20% cùng kỳ năm trước, mã VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam vẫn được đánh giá trong nhóm cổ phiếu tốt, ổn định và được khuyến nghị nắm giữ đối với các nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu VNM về vùng giá 75.600 đồng/cổ phiếu. Từng được mệnh danh là "cổ phiếu vua" khi duy trì trả cổ tức cao mà vẫn giữ đà tăng giá nhiều năm liên tiếp, lần đầu tiên Vinamilk rớt khỏi top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường. Diễn biến trên thị trường của VNM khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi: "Chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu từng được đánh giá tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam?".

Theo ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, VNM từng là cổ phiếu được khối ngoại săn lùng. Gần như các quỹ đầu tư khi vào Việt Nam đều đặt vấn đề, làm sao để mua được cổ phiếu này. Nhưng những năm gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí, sắt thép, phân bón… nổi lên nhờ thu hút dòng tiền "đánh nhanh thắng nhanh". Nhóm nhà đầu tư F0, chưa có kinh nghiệm lại ưa chuộng những cổ phiếu có thị giá thấp, nhằm giảm rủi ro nếu thị trường điều chỉnh.

"Về cơ bản, VNM là cổ phiếu tốt, phù hợp với các khoản đầu tư trung và dài hạn. Nhưng nó không nằm trong nhóm đầu cơ, lại có thị giá khá cao, dao động từ 70.000 đồng đến trên 100.000 đồng/cổ phiếu, nên dòng tiền nóng không tập trung vào cổ phiếu này", ông Phương lý giải.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 1

Vinamilk hiện nằm trong top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu.

Doanh thu tăng trưởng kỷ lục nhưng vẫn áp lực về lợi nhuận

Khác với diễn biến trên thị trường chứng khoán, báo cáo thường niên vừa được Vinamilk công bố cho thấy, đơn vị đứng đầu ngành sữa Việt vẫn duy trì tình hình kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh thu hợp nhất quý IV/2021 của Vinamilk tăng trưởng xấp xỉ 10% - mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Tính chung cả năm, tổng doanh thu hợp nhất lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, tăng đến 10.000 tỷ đồng chỉ sau 5 năm.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 2
Tổng doanh thu trong 5 năm của Vinamilk.

Đóng góp phần lớn vào doanh thu là thị trường tiêu thụ nội địa qua kênh hiện đại (tăng 2 chữ số). Bên cạnh việc các đối tác phân phối mở rộng điểm bán, chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt của Vinamilk cũng đã mở mới 120 cửa hàng trong năm 2021 và nâng tổng số cửa hàng tại thời điểm cuối năm lên gần con số 600. Kênh trực tuyến cũng ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Kết quả này tương đồng với quan sát của các đơn vị nghiên cứu trên thị trường. Đo lường của Nielsen cho thấy, Vinamilk là nhà sản xuất đứng đầu về cả sản lượng và doanh số bán ra trong ngành hàng sữa chua uống, sữa đặc có đường và sữa nước, đứng đầu về sản lượng trong ngành hàng sữa bột trẻ em trong 12 tháng liên tiếp (1/2021 - 12/2021). Còn theo báo cáo Brand Footprint 2021 của Kantar Worldpanel, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm Vinamilk là 99% tại thành thị và 86% tại nông thôn. Điều này có nghĩa là hầu như các gia đình ở thành thị đều có dùng ít nhất một sản phẩm của Vinamilk. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cũng khá cao, khi cứ 10 gia đình sẽ có 9 hộ sử dụng ít nhất một sản phẩm.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 3
Danh mục sản phẩm đa dạng, Vinamilk là thương hiệu sữa được nhiều gia đình lựa chọn.

Chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn, nhưng doanh thu từ mảng xuất khẩu của Vinamilk cũng có tốc tăng trưởng đáng ghi nhận, ở mức 10,2% so với cùng kỳ. Đơn vị đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm cho liên doanh tại Philippines từ cuối quý III/2021, nâng tổng số thị trường xuất khẩu lên 57.

Kết quả này càng ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh năm 2021 - năm mà Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài và gây tác động nặng nề nhất từ khi Covid-19 xuất hiện. Những lần phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế, khiến GDP cả nước tăng trưởng thấp nhất trong một thập niên qua và đặt nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 4
Vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh, Vinamilk vẫn đạt doanh thu tích cực về xuất khẩu và khai phá thêm 2 thị trường mới trong năm 2021.

Tuy nhiên, lợi nhuận Vinamilk mang về cho các cổ đông lại giảm. Biên lợi nhuận gộp giảm khoảng 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, điều này không quá khó hiểu khi giá nguyên vật liệu đầu vào và cước phí vận chuyển liên tục tăng cao, tiến gần đến mức đỉnh trong nhiều năm.

"Vinamilk đã quản lý chi phí đầu vào khá hiệu quả khi biên gộp có tốc độ giảm ít hơn so với tốc độ tăng giá của nguyên vật liệu sữa đầu vào", theo báo cáo của VCBS.

Do đó, công ty chứng khoán này xếp VNM vào nhóm cổ phiếu nên "nắm giữ" với giá mục tiêu 90.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022, tương ứng P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) mục tiêu 17,x lần.

Triển vọng phục hồi trong năm 2022

Với vị trí thống lĩnh thị trường sữa Việt Nam khi chiếm thị phần trên 55%, nhiều chuyên gia đánh giá Vinamilk gần như không còn dư địa tăng trưởng. Ông Trần Minh Dũng - Trưởng bộ phận nghiên cứu của nền tảng hỗ trợ phân tích chứng khoán Simplize từng chia sẻ với Dân trí, khi thị phần của một doanh nghiệp đã vượt 50% và lĩnh vực đó có xu hướng bão hòa, việc gia tăng thêm 1% thị phần cũng cần một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, ông không đồng tình với quan điểm Vinamilk không thể tăng trưởng được nữa.

"Thị trường sữa trong nước đã đi qua giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng trên thực tế vẫn tăng 5-6%/năm. Nếu Vinamilk giữ nguyên thị phần hiện tại, đây chính là động lực tăng trưởng ở thị trường nội địa trong tương lai của công ty", trưởng bộ phận nghiên cứu của Simplize phân tích.

Trong ngắn hạn, VCBS cho biết, Vinamilk đã chốt nguyên liệu gần đủ cho sản xuất đến quý II/2022 và dự định tăng giá bán sản phẩm không quá 5%. Như vậy, biên lợi nhuận gộp giai đoạn này của công ty sẽ cải thiện nhờ vào việc tăng giá sản phẩm trong khi giá sữa nguyên liệu nhập khẩu vẫn nằm ở mức tương ứng năm 2021.

Hơn nữa, việc đầu tư vào các trang trại bò sữa (tổng quy mô 160.000 con) sẽ giúp đơn vị giảm nhập khẩu sữa bột cũng như giảm thiểu rủi ro khi giá sữa nguyên liệu biến động cao. Trong đó, trang trại ở Xiengkhouang tại Lào (quy mô 24.000 con trong 5 năm) dự kiến cung cấp sữa tươi nguyên liệu từ nửa đầu năm 2022. Kết hợp với dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên có tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm được xây dựng, VNM sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường miền Bắc.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 5
Dự án siêu nhà máy sữa tại Hưng Yên sẽ đặt nền tảng thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng trong những năm tới.

Ngoài ngành sữa, dự án về bò thịt tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 500 triệu đô la Mỹ, dự kiến mang về cho Vinamilk thêm 2.000 tỷ đồng từ năm 2023. Đây là mảng được VCBS đánh giá là tiềm năng nhất để đóng góp cho tăng trưởng của VNM, với tốc độ tăng trưởng 2 con số sau khi hoạt động chính thức dự kiến 2023-2024.

Liên doanh Vibev giữa Vinamilk và Kido đã cho ra mắt sản phẩm đầu tiên "Oh Fresh" bao gồm sữa đậu xanh tươi và sữa bắp tươi, tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng từ những ngành hàng mới là thức uống tươi. Liên doanh tại Philippines cũng nhận được các đánh giá khả quan, khi khai thác tốt tiềm năng từ thị trường lớn nhất nhì khu vực này.

Với những trợ lực này, Vinamilk dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2022 trên 5%, cao hơn so với mức tăng 2,2% của năm 2021 mặc dù bức tranh kinh doanh còn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, đáng kể đến là việc sức mua của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng lớn do tình hình lạm phát liên quan đến các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu. Sau năm nay, doanh thu của Vinamilk được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lên mức 7,7%/năm và đạt quy mô doanh thu 86.200 tỷ đồng vào năm 2026.

Vì sao cổ phiếu VNM vẫn được khuyến nghị nắm giữ? - 6
Kế hoạch tăng trưởng của Vinamilk năm 2022 và 2026.

Đề ra mục tiêu khá thận trọng trong bối cảnh nhiều thách thức, nhưng với những gì Vinamilk đã thể hiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt là qua giai đoạn dịch bệnh, các nhà đầu tư đang trông chờ sự vực dậy của "ông vua" trong ngành cổ phiếu một thời.

"Với chiến lược đa dạng sản phẩm, đa ngành nghề nhưng vẫn xoay quanh trụ cột chính là tiêu dùng, chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng trở lại của Vinamilk trong thời gian tới", ông Trương Hiền Phương chia sẻ.