Vì sao chưa có công ty chứng khoán nào phá sản?

(Dân trí) - Theo dự kiến sau tái cơ cấu TTCK, sẽ chỉ còn 1/3 trong số hơn 100 CTCK trụ lại, song cho đến nay, mặc dù thị trường liên tiếp nhận được những thông tin gây rúng động, vẫn chưa có trường hợp nào tuyên bố phá sản.

Không khó để điểm mặt đọc tên những công ty chứng khoán (CTCK) đang gặp vấn đề trong thời điểm hiện nay. Trên các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) liên tục cập nhật thông tin các mã bị đưa vào diện kiểm soát, cảnh cáo, thậm chí bị buộc ngừng giao dịch.

Hàng loạt CTCK "mắc cạn"

Trên HoSE, cổ phiếu SBS (Chứng khoán Sacombank) rơi vào diện kiểm soát từ 23/7/2012 do  lợi nhuận chưa phân phối của SBS bị âm 1.424,14 tỷ đồng, vượt quá vốn đầu tư chủ sở hữu (tính đến 31/3/2012) và tình hình tài chính chưa được giải trình đầy đủ. 

Mới đây, cùng với Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam (GBS), SBS đã bị UBCKNN xử phạt 30 triệu đồng do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và chậm nộp báo cáo tài chính quý I/2012. Năm 2011, SBS lỗ 788 tỉ đồng, trở thành quán quân thua lỗ trên thị trường chứng khoán, trong khi chỉ 1 năm về trước, công ty này vẫn ghi nhận lãi 101 tỉ đồng. Từ vị trí thứ 3, SBS bị "out" khỏi Top 10 môi giới chứng khoán tại HNX. 

Đến quý I năm nay, SBS tiếp tục lỗ gần 660 tỉ đồng đưa mức lỗ lũy kế lên hơn 1.400 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ công ty chỉ 1.266 tỉ đồng. Mục tiêu quý II của công ty giảm lỗ còn 9 tỉ đồng và cả năm lỗ 663 tỉ đồng.

Cuối tháng 6, SBS đã có lúc khiến các cổ đông lo ngại trước nguy cơ phá sản rất lớn do thua lỗ nặng, mất thanh khoản, phải thực hiện “kiểm toán soát xét đặc biệt” và Ban lãnh đạo mới đang “điều tra” việc giấu lỗ trong gần 2 năm qua. Báo cáo quản trị công ty trong quý II/2012 của SBS cho thấy, các lãnh đạo cấp cao, gắn bó với công ty từ ngày thành lập đều đã bán hết cổ phiếu và từ nhiệm khỏi vị trí và rời khỏi SBS sau Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa tháng 6/2012, trong đó có ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT của công ty này.

Nhiều CTCK không còn vốn, vẫn cố bám trụ lại thị trường chờ cơ hội.
Nhiều CTCK không còn vốn, vẫn cố bám trụ lại thị trường chờ cơ hội.

Những cái tên khác được nêu ra gần đây có SME, HSSC,TSS, DDS sau khi bị rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, các công ty này lui về cầm cự, thậm chí hầu như không có hoạt động.

Riêng Chứng khoán SME, sau khi công ty này chính thức công bố thông tin Chủ tịch và phó Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam, các doanh nghiệp khác có liên quan đến ông Phan Huy Chí như ND2, VCV, Friendship Capital đều đã đưa thông tin xác nhận.
Với việc liên tục bị đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ, đầu năm nay, công ty bị UBCKNN thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán. Ngày 10/2, công ty này đã ngừng hoạt động giao dịch trên cả 2 sàn HNX và HoSE, ngừng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, ngừng ký kết các hoạt động giao dịch chứng khoán mới. Cùng với đó, chính thức rút nghiệp vụ chứng khoán từ 2/8 sau khi tạm ngừng kể từ 1/3/2012.

Ngoài ra, trên sàn Hà Nội đã công bố danh sách một loạt các công ty CK không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ tính đến 30/6/2012 như AVS (CK Âu Việt), APS (CK Châu Á - Thái Bình Dương), APG (CK An Phát), SHS (CK Sài Gòn Hà Nội), PSI (CK Dầu khí), SVS (CK Sao Việt), TAS (CK Tràng An), VIG (CK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), VND (VNDIRECT). Tất cả các công ty này đều bị cảnh báo do kết quả kinh doanh lỗ 2011 và lỗ lũy kế. SME và HPC (CK Hải Phòng), BVS (CK Bảo Việt) bị đưa vào diện kiểm soát.

Trong khi từ 3/8, các công ty như AVS, APS, APG, SHS, HPC, VND đã "thoát án" thì một số công ty còn lại vẫn còn luẩn quẩn trong vòng xoáy thua lỗ.

Lấy ví dụ TAS, đến quý II năm nay, công ty ghi nhận lỗ hơn 3 tỉ đồng, là quý thứ 6 liên tiếp công ty này báo lỗ. Doanh thu của công ty chủ yếu dựa vào môi giới, đạt 758 triệu động, cộng với các doanh thu khác, đưa tổng doanh thu lên 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động 2,5 tỉ đồng và chi phí quản lý 2,73 tỉ đồng đã đưa mức lỗ thuần lên hơn 4 tỉ đồng.

SVS  quý II lỗ 12,23 tỉ đồng, 6 tháng lỗ 10,7 tỉ đồng (nhờ có lãi quý I bù đắp). Dự kiến của công ty này trong năm 2012 lỗ 21,37 tỷ đồng.

Quy định của HNX, các chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ là những chứng khoán đang trong diện bị cảnh báo, kiểm soát, bị tạm ngừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết, chứng khoán của tổ chức niêm yết có kết quả kinh doanh là có lỗ theo BCTC năm gần nhất đã kiểm toán hoặc BCTC bán niên có soát xét của tổ chức kiểm toán. Ngoài ra, còn có các chứng khoán của tổ chức niêm yết chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quá 10 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn công bố thông tin BCTC.

UBCKNN đã yêu cầu các CTCK phải báo cáo thống kê chỉ số an toàn vốn khả dụng đo lường khả năng đảm bảo an toàn tài chính của CTCK trước các tổn thất có thể xảy ra. Trong khi KLS (chứng khoán Kim Long) có tỉ lệ vốn khả dụng cao nhất 1.292% thì ở 3 công ty "đội sổ" là HBSC (CK Hồng Bàng), VSSC (CK Sao Việt) và VQS (CK Sao Việt) có tỉ lệ này dưới 180% với con số lần lượt là 130%, 160% và 155%. Trong khi HBSC chịu áp lực nếu trong vòng 3 tháng có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng đều thấp hơn 150% thì sẽ bị đưa vào tình trạng kiểm soát thì VSSC và VQS sẽ phải báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng 2 lần mỗi tháng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao mặc dù nhiều CTCK liên tục lỗ, hoạt động cầm chừng, chật vật và khó khăn nhưng vẫn bám trụ lại thị trường? Ở đây do cơ chế cho phá sản hay còn lý do nội tại nào khác của các doanh nghiệp này? Bởi theo định hướng tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán, số lượng doanh nghiệp hoạt động sẽ cần phải thu hẹp lại (chỉ còn 1/3 tồn tại), đem lại hiệu quả cao hơn, song cho đến nay, chưa có công ty nào tuyên bố phá sản.

Giá trị vô hình của tờ Giấy phép

Nhìn chung, mỗi công ty sẽ có một động cơ khác nhau song, có thể gói lại trong 4 lý do chính: Thứ nhất, do việc xin giấy phép thành lập, hoạt động với CTCK hiện nay khó khăn nên các công ty trên vẫn cố gắng giữ hoạt động. Lý do thứ 2 có thể công ty có nguồn lực khác hậu thuẫn. Lý do thứ ba, CTCK là công cụ tạo lập thị trường (market maker) nên các công ty này thấy cần phải giữ. Trường hợp thứ 4, có thể CTCK muốn phá sản nhưng không được (nhóm) cổ đông lớn đồng ý.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo HNX, chứng khoán là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, từ khi thành lập đã chịu sự giám sát của UBCKNN, hoạt động của các CTCK có ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi ích khách hàng. Do đó, nếu đóng cửa cũng phải có quy trình nhất định để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Luật Doanh nghiệp 2005 cho thấy, Khoản 2 Điều 165 của Luật này có quy định về việc doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh với những doanh nghiệp không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 1 năm không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6  tháng liên tục kể từ ngày được cấp GCNĐKKD.

Ngoài ra, còn áp dụng với những doanh nghiệp không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục; ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản.

Với quy định này, các CTCK muốn giữ được giấy CNĐKKD phải phát sinh hoạt động, và vẫn phải báo cáo theo quy định lên UBCKNN. Vị lãnh đạo HNX cho biết, ngay cả khi đã hết vốn, hoạt động thua lỗ thì các CTCK vẫn còn nắm trong tay giá trị - giá trị đó nằm ở giấy phép thành lập, do UBCKNN không cấp thêm nữa, nên có thể các công ty này đang hy vọng chuyển nhượng hay nhận được nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống công nghệ và khách hàng cũng là những yếu tố cần kể đến.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 125, Luật Chứng khoán được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, về xử lý hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán và chứng chỉ hành nghề chứng khoán có ghi rõ, "CTCK không thực hiện đúng quy định của Luật này về quản lý tài sản tiền, chứng khoán của khách hàng; không duy trì bảo đảm mức vốn khả dụng theo quy định; đầu tư hoặc tham gia góp vốn vượt quá mức quy định; làm trái lệnh của người đầu tư; không thực hiện chế độ bảo mật thông tin của khách hàng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động".

Do vậy, cầm trong tay giấy phép, không phải các CTCK yếu kém đã có thể yên tâm về việc có thể giữ cho đến lúc cơ hội chuyển nhượng xuất hiện.

Cơ hội sau khủng hoảng

Nói về việc cầm cự của các CTCK, TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của CTCK Thăng Long đề cập đến giá trị vô hình của doanh nghiệp. Theo đó, một doanh nghiệp có thể tài sản thật đã âm, vốn chủ hữu đã "bay hết" thì vẫn còn giá trị vô hình - tức phần "chi phí chìm" để thiết lập công ty và thương hiệu công ty đó vẫn còn. 

Ông Thế Anh cũng nhận định, ngoài việc bám trụ lại để bán phần giá trị vô hình đó, có thể những công ty này nhìn thấy cơ hội phía trước: qua được thời kỳ khó khăn, cơ hội sẽ càng lớn hơn. Do vậy, các công ty đó còn có thể tồn tại được nên vẫn gắng bám trụ. 

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, một số công ty chứng khoán thua lỗ nhưng vẫn có nguồn vốn lớn hỗ trợ ở phía sau, có ngân hàng "chống lưng" nên vẫn duy trì. "Chứng khoán là nghiệp vụ mà các ngân hàng cần nên các ngân hàng vẫn cố gắng ủng hộ để cứu bằng được công ty, SBS là ví dụ điển hình. Các tập đoàn tài chính không thể thiếu các công ty chứng khoán" - ông Thế Anh đánh giá.

Thực tế cho thấy, không phải CTCK nào cũng "trượt dài". BSI (Chứng khoán BIDV) bị cảnh cáo từ 4/4/2012 do kết quả kinh doanh 2011 lỗ (cả năm 2011, BSI lỗ ròng 208 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 4, công ty bất ngờ báo lãi 28 tỉ đồng trong quý I. Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt 27,81 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 9,59 tỷ đồng.

Sang quý II, công ty tiếp tục báo lãi 27 tỉ đồng, đạt doanh thu 84,99 tỉ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm 2011. 71% doanh thu của BSI đến từ hoạt động khác và hoạt động đầu tư. Doanh thu từ hoạt động môi giới tăng 135% so với năm trước, từ 5,14 tỷ đồng lên 12,08 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu.

Có một điểm cần lưu ý là , Nghị định 114 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác có nêu: Đối với trường hợp doanh nghiệp chứng khoán có nguy cơ mất khả năng thanh toán, UBCKNN có quyền yêu cầu doanh nghiệp chứng khoán thực hiện việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với quỹ, nhà đầu tư ủy thác, các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khác thay thế. 

Việc lựa chọn đối tác để bàn giao quyền và nghĩa vụ do doanh nghiệp tự thỏa thuận và phải được UBCK chấp thuận. Trường hợp doanh nghiệp không tự thỏa thuận và thống nhất được đối tác bàn giao thì việc lựa chọn doanh nghiệp cùng ngành nghề sẽ do UBCKNN chỉ định.

Như vậy, chiểu theo Nghị định này, khả năng trong thời gian sắp tới, TTCK có thể sẽ chứng kiến những cuộc chuyển nhượng hoặc những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Bởi nói cho cùng, ở một lĩnh vực có điều kiện như hoạt động chứng khoán, việc phá sản, giải thể, tự do rút khỏi thị trường không phải là ý muốn chủ quan. 

Theo đó, Luật phá sản ghi rõ, ở lĩnh vực này, Tòa án chỉ ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đầy đủ các điều kiện bao gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước hoặc chủ sở hữu có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biên pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Một khi chưa hội đủ các điều kiện trên, thì CTCK vẫn chưa phá sản.

Mai Chi