Vì sao các “quả đấm thép” nặng nợ khó đòi?

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chạm ngưỡng 300.000 tỷ đồng (trong đó nợ khó đòi là 10.329 tỷ đồng). Tình trạng rơi rụng vốn cũng diễn ra với các “quả đấm thép” trong năm qua. Vì sao lại kéo dài tình trạng này?.

Những DNNN có nguy cơ mất vốn
 
Những DNNN có nguy cơ mất vốn

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Dù bị “lên án” trong suốt những năm gần đây, việc đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không vì thế mà giảm. Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho thấy, tổng mức đầu tư tài chính ngắn hạn đạt mức 236.091 tỷ đồng, tăng 43,3% so với năm 2012. Số tiền chi đầu tư tài chính dài hạn cũng lên tới 186.412 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm trước đó.

 

Bức tranh hoạt động của nhiều DNNN không mấy sáng sủa khi tình trạng nợ chéo, nợ dây dưa lẫn nhau kéo dài trong nhiều năm. Tính chung tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2013 lên tới 298.645 tỷ đồng.

 

Đặc biệt, số nợ phải thu bị xếp vào diện khó đòi, nguy cơ mất vốn cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 10.329 tỷ đồng. Đứng đầu bảng về nguy cơ mất vốn vì những khoản nợ trên phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với 2.856 tỷ đồng.

 

Kế đến là các “quả đấm thép” như Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (678 tỷ đồng), Tổng Cty Lương thực miền Bắc (430 tỷ đồng), Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (417 tỷ đồng), Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (307 tỷ đồng)...

 

Các tập đoàn có mức nợ khó đòi lớn khác phải kể đến như Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN (173 tỷ đồng), Tập đoàn Hóa chất (143 tỷ đồng), Tập đoàn Cao su Việt Nam (76 tỷ đồng), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (56 tỷ đồng)...

 

Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, một số công ty mẹ thuộc ngành xây dựng, giao thông có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao. Điển hình như: Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 8 có số nợ phải thu lên tới hơn 1.054 tỷ đồng, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn (nợ phải thu 1.123 tỷ đồng), Tổng Cty Vật tư nông nghiệp (nợ phải thu hơn 213 tỷ đồng).

 

Dù được hưởng khá nhiều ưu đãi, nhiều tổng công ty đã không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, thậm chí bị âm vốn do kinh doanh thua lỗ. Trong đó phải kể đến Tổng Cty Xăng dầu Quân đội (âm vốn chủ sở hữu 81 tỷ đồng), Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (âm 6.767 tỷ đồng), Cty TNHH 1 thành viên Haprosimex Hà Nội (âm 39 tỷ đồng).

 

Nhiều “đại gia” khác cũng rơi vào tình trạng có hệ số bảo toàn vốn thấp (Tổng Cty Thành An - BQP, Tổng Cty Lương thực miền Nam, Tổng Cty Giấy Việt Nam, Tổng Cty Xây dựng Hà Nội). Tính chung trong năm 2013, chỉ riêng 13 tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ nhiều nhất, số tiền vốn nhà nước bị “rơi vãi” lên tới hơn 7.525 tỷ đồng.

 

EVN là một trong những đơn vị có nợ khó đòi lớn. Ảnh: Như Ý.
EVN là một trong những đơn vị có nợ khó đòi lớn. Ảnh: Như Ý.

 

Bế tắc ở khâu nào?

 

Đại diện nhiều DNNN cho rằng, tình trạng chiếm dụng vốn, nợ dây dưa giữa các tập đoàn, tổng công ty với tâm lý: Đằng nào cũng cùng nguồn vốn nhà nước. Điển hình nhất trong câu chuyện này chính là việc EVN nợ tiền điện giữa các đơn vị khác như Vinacomin và PVN.

 

Chánh văn phòng một tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng (đề nghị giấu tên) cho biết, sự chây ì thanh toán từ chính những đối tác là các DNNN cũng như các đơn vị bộ ngành (nợ xây dựng cơ bản) khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn.

 

“Có những công trình, chúng tôi thi công xong từ hơn 2 năm nay nhưng cả nghìn tỷ đồng vẫn chưa được thanh toán. Nợ chéo của các DNNN mới quan trọng. Trong số nợ khó đòi lên tới 150 tỷ đồng của chúng tôi, không ít do bị nợ dây dưa từ chính các DNNN. Ban lãnh đạo nhiều khi rất đau đầu vì tình trạng nợ dây dưa này, nhưng cũng không biết xử lý thế nào vì vướng “ý kiến” của cơ quan quản lý”, ông chia sẻ.

“Để các DNNN tham gia cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng đúng nghĩa, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị DNNN. Chính phủ nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ, ngành và địa phương. Việc này sẽ giúp các cơ quan quản lý tập trung hơn vào việc xây dựng các chính sách và giám sát (thay vì tập trung quản lý các đơn vị riêng lẻ như hiện nay)” - PGS TS Trần Đình Thiên

 

Một lãnh đạo DNNN thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương khẳng định, doanh nghiệp hoạt động gặp nhiều  khó khăn, tài chính và cân đối tài sản nhiều khi bị mang tiếng không minh bạch cũng một phần do phải gánh nhiều nghĩa vụ được giao.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất với khối DNNN chính là sự minh bạch thông tin hoạt động. Với cơ chế hiện nay, nợ xấu vẫn sẽ là vấn đề đặt ra với khối DNNN.

 

Quyết liệt cổ phần hóa DNNN, tách bạch chức năng quyền sở hữu nhà nước với chức năng quản lý tại các cơ quan chủ quản; theo ông Thiên, sẽ là biện pháp tốt để tránh những hệ lụy xấu về lâu dài với nền kinh tế.

 

“Trở ngại chính cho việc cải tiến mô hình quản trị DNNN theo hướng hiện đại có lẽ do e sợ mất công cụ kiểm soát ngành hoặc thị trường, khi các bộ từ bỏ chức năng bộ chủ quản. Với các địa phương, việc trả các DNNN về cho T.Ư có thể dẫn đến việc mất nguồn đóng góp cho ngân sách địa phương cũng như mất đi công cụ và nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, ông Thiên phân tích.

 

Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, vấn đề “nợ xấu” lớn trong các DNNN do chưa có “kỷ luật” của thị trường. Khuôn khổ pháp lý vẫn dành ưu đãi cho khối này, trong khi  bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”