Vì sao các nhà kinh tế học hiểu sai cuộc khủng hoảng?
(Dân trí) - Việc tranh luận với Krugman (mới đoạt giải Nobel) thì hoặc là dũng cảm hoặc là ngu ngốc. Dù vậy, đôi khi một sử gia vẫn có thể thách thức một nhà kinh tế. Tác giả bài viết là GS lịch sử Đại học Havard - tác giả cuốn “Sự tiến lên của tiền”.
Thứ 4 tuần trước, lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ - thường được coi là tiêu chuẩn cho lãi suất dài hạn - tăng tới mức trên 3,73%. Đã có thời tỷ lệ đó vẫn bị coi là khá thấp nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã thay đổi tất cả: cuối năm ngoái, lãi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống mức 2,06%.
Phần lớn các nhà bình luận đều mất bình tĩnh trước sự đột biến này, nó lại trùng với những cảnh báo về chính sách tài khóa của Mỹ. Tuy vậy, với tôi, đây lại là tin tốt vì nó đã giải quyết cuộc tranh luận mở giữa tôi và nhà kinh tế học của ĐH Princeton, Paul Krugman.
Một tháng trước, Krugman và tôi tham dự một buổi hội thảo tại New York bàn về khủng hoảng tài chính. Tôi đưa ra luận điểm “khoản thâm hụt tài khóa khổng lồ tới 12% GDP trong năm nay, và việc phát hành số lượng lớn trái phiếu” có khả năng sẽ đẩy lãi suất dài hạn lên cao trong khi FED đang muốn giữ chúng ở mức thấp. Tôi dự đoán sẽ có một “trò co kéo đau đớn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, khi thị trường nhận ra sẽ phải hấp thụ một lượng lớn trái phiếu vào hệ thống tài chính”.
Cả hội trường đều phản ứng như thể: trình độ kinh tế học của tôi mới ở thời kỳ trung cổ. Tôi thực sự buồn khi biết kiến thức kinh tế chính trị của mình vẫn chưa đạt đến mức của năm 1937 (năm sau khi Keynes xuất bản “Lý thuyết chung” (General Theory) chứ chưa nói đến năm 2005 (năm giáo trình kinh tế vĩ mô của Krugman ra đời)
Tôi không hiểu được “xu hướng tiết kiệm vượt trội so với nhu cầu đầu tư”? Krugman giải thích “chúng ta có thừa tiết kiệm trên toàn cầu, và đó là lý do tại sao không tạo áp lực đẩy lãi suất lên”.
Giờ đây, tôi không cần biết đến “Lý thuyết chung”, nhưng tôi nghĩ có lẽ Krugman sẽ học được đôi điều qua bối cảnh lịch sử của tác phẩm đó. Khi xuất bản cuốn “Sự trở lại của kinh tế học thời suy thoái”, rõ ràng ông ta cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay lặp lại cuộc khủng hoảng những năm 30.
Nhưng không phải vậy, GDP thực tế của Mỹ được dự đoán chỉ giảm 2,8% năm nay và gần như không đổi vào năm sau. Số liệu đó tốt hơn nhiều so với đầu thập niên 30, khi sản lượng thực tế sụt giảm tới 30%.
Ở mức độ nào đó, chúng ta đang ở trong một đợt suy thoái lớn, nếu so về quy mô với thời kỳ 1973 - 1975. Và toàn cầu hóa cũng không sụp đổ như hồi năm 30.
Công lớn trong việc ngăn ngừa một đợt Đại suy thoái thuộc về Chủ tịch FED Ben Bernanke, kiến thức về cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 30 của ông chẳng kém một ai, và hai liều thuốc lãi suất gần 0 và “nới lỏng định lượng” của ông đã chặn đứng được làn sóng sụp đổ ngân hàng. Không nghi ngờ gì nữa, gói kích thích 787 tỷ USD cũng góp phần gia tăng GDP Mỹ trong quý 2 này.
Nhưng gói kích thích cũng làm thâm hụt ngân sách liên bang năm nay tăng mạnh. Chính phủ sẽ phải vay khoảng 1.800 tỷ USD - tương đương một nửa chi tiêu liên bang và 13% GDP. Nước Mỹ chưa từng thâm hụt nhiều đến thế kể từ thế chiến thứ hai.
Theo Ủy ban Ngân sách Quốc hội, chính phủ còn phải vay thêm 10.000 tỷ USD. Kể cả dự báo tăng trưởng quá lạc quan của Nhà trắng có đúng đi nữa, nợ liên bang vẫn sẽ vượt 100% GDP vào năm 2017. Con số này còn bỏ qua khoản nợ khổng lồ từ hệ thống an sinh xã hội và Medicare.
Khi đó, chẳng mấy bất ngờ khi thị trường trái phiếu hoảng sợ. Chỉ có trong Planet Econ-101 (giáo trình kinh tế vĩ mô chuẩn cho mọi sinh viên Mỹ) thì một đợt sóng thần chứng khoán nợ như thế mới “không gây áp lực lên lãi suất”.
Đương nhiên, Krugman hiểu ý tôi nói. “Thứ duy nhất có thể đẩy lãi suất lên”, ông thừa nhận, “là mọi người hoài nghi về khả năng trả nợ của chính phủ.” Thực tế là không chỉ chính phủ Trung Quốc mà rõ ràng ai ai cũng đã nghi ngờ điều này.
Họ hiểu chính sách tài khóa của Mỹ khiến FED phải mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ, vì không một chính phủ nước ngoài hay tổ chức tư nhân trong nước nào kham nổi khoản thâm hụt này. Chính sách này còn được gọi là in tiền và nó đã được nhiều chính phủ thực hiện trong những năm 1970, và chẳng cần phải là một sử gia cũng biết hậu quả là gì, lạm phát.
Bóng ma giảm phát vẫn còn, ngành chế tạo vẫn còn công suất thừa nhưng giá hàng hóa đã tăng mạnh kể từ tháng 2. Chính sách tiền tệ mở rộng ở Mỹ để M2 tăng trưởng bình quân 9%/năm, cao hơn nhiều mức trung bình những năm 60, có lẽ sẽ gây ra lạm phát, nếu không phải năm nay thì cũng là sang năm.
Theo báo cáo quý mới nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc: “Một sai lầm chính sách … có thể gây ra nguy cơ lạm phát cho toàn thế giới.”
Sai lầm này đã diễn ra - sử dụng chính sách tài khóa thời chiến để chống lại một cuộc suy thoái. Thiếu một cam kết giảm thâm hụt cơ cấu kinh niên đáng tin cậy, lãi suất sẽ còn chịu thêm nhiều áp lực, bất chấp tiết kiệm toàn cầu có dư thừa.
Chính Keynes đã viết “những người có đầu óc thực tiễn thường là nô lệ của một nhà kinh tế học đã chết.” Ngày nay “nhà kinh tế đã chết” là Keynes, và chính những giáo sư kinh tế học, chứ không phải “người có đầu óc thực tế”, mới là nô lệ của Keynes.
Minh Tuấn
Theo Economist