Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi?

Thảo Thu Nhật Quang

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đẩy lãi suất lên, có bên áp dụng mức cao nhất đến 6,35%/năm. Nhu cầu cho vay tăng mạnh dịp cuối năm được cho là lý do các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn.

Ngân hàng rộn ràng tăng lãi suất

Đầu tháng 12, hàng loạt các ngân hàng nhỏ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm %/năm.

GPBank ngày 4/12 đồng loạt tăng lãi suất đẩy lãi suất huy động cao nhất lên 6,35%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng lần lượt được niêm yết tại mức lãi suất 3,7%/năm và 4,2%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng - mốc thường được nhiều ngân hàng lấy làm hệ quy chiếu cho lãi suất cho vay - nhà băng này niêm yết tại 6,25%/năm.

Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi? - 1

Lãi suất được dự báo tăng tháng cuối năm (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, ngày 3/12, Indovina Bank (IVB) cũng đã tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 6,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay theo niêm yết chính thức của ngành ngân hàng.

OceanBank - ngân hàng mới đây được chuyển giao về MB - có động thái mới về lãi suất huy động, áp dụng mức 4,3%/năm cho kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng lãi suất 4,6%/năm.

Danh sách điều chỉnh lãi suất huy động trong những ngày đầu tháng 12 còn có TPBank và ABBank. Trong đó, TPBank tăng lãi suất huy động thêm 0,2 điểm %/năm đối với kỳ hạn 1-3 tháng và 0,1%/năm đối với các kỳ hạn còn lại. Còn ABBank tăng nhẹ 0,1 điểm %/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 3 và 12 tháng.

Trước đó, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tháng 11 có 11 ngân hàng tăng lãi suất. Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên cao nhất là 6,3%/năm. Hầu hết ngân hàng đều đang trả lãi suất từ 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng trong bối cảnh các kênh đầu tư rủi ro và thiếu bền vững, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. "Dòng tiền thông minh thường tìm đến ngân hàng để chờ đợi cơ hội từ các kênh đầu tư khác khi thị trường ổn định hơn", ông Huân nhận định.

Cùng với đó, về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn , chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, ông Huấn đánh giá việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại gần đây có thể sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay ở một số phân khúc khách hàng để đảm bảo thanh khoản vào cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao vì nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 tăng 10,08% so với cuối năm 2023 trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14-15%/ Đây được xem là yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Vì sao các ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiền gửi? - 2

Người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo ông Huân, kịch bản của lãi suất còn phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tỷ giá, với điểm thuận lợi là lạm phát trong nước được đánh giá là đã nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát là sức mạnh của đồng USD. Điều này còn chờ đợi Tổng thống Mỹ tái đắc cử Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Theo chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lê Xuân Huy, thông thường, vào thời điểm cuối năm các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất để phục vụ cho nhu cầu mua sắm đợt cuối năm và Tết Nguyên đán nên nhu cầu về vốn sẽ tăng lên. Khi đó, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh huy động để đáp ứng nguồn tiền cho vay ra này.

Ông Huy cho rằng áp lực thanh khoản là có khi tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm thường cao hơn giai đoạn trong năm. Nhận định về môi trường lãi suất huy động trong thời gian tới, ông Huy cho rằng sẽ tăng nhẹ chứ không tăng quá nóng và có thể đi ngang và giảm dần vào giai đoạn đầu năm sau, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán.

Nhóm phân tích một công ty chứng khoán đánh giá, việc ngân hàng tăng lãi suất đầu vào là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm.

Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế, đồng thời duy trì sự an toàn và tính thanh khoản cho hệ thống. Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.