1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao các mẫu xe "ăn khách" chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước?

Ngoài Honda CR-V chuyển hẳn sang lắp ráp trong nước, một số mẫu xe như Xpander hay Fortuner (bản máy xăng) cũng rục rịch lắp ráp tại Việt Nam.

Vì sao các mẫu xe ăn khách chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước? - 1

Với doanh số vượt 20 nghìn xe trong năm 2019, Mitsubishi Xpander sẽ được lắp ráp tại Việt Nam trong năm 2020

Chuyển sang lắp ráp những mẫu xe bán chạy

Năm 2019, Honda CR-V, Toyota Fortuner và Mitsubishi Xpander là những cái tên đứng đầu các phân khúc crossover, SUV và MPV tại Việt Nam, với doanh số lần lượt là 13.337 (Honda CR-V), 12.667 (Fortuner) và 20.098 (Xpander).

Trong đó, Honda CR-V và Mitsubishi Xpander là những mẫu xe nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan và Indonesia, trong khi phiên bản bán chạy nhất của Toyota Fortuner (2 bản máy xăng) cũng được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Theo những thông tin khả tín, đến nay các mẫu xe bán chạy nhất của từng phân khúc nói trên đang có kế hoạch chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại Việt Nam.

Đơn cử, Honda Việt Nam vừa xác nhận về việc phiên bản CR-V 2020 mới sắp ra mắt sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Dự kiến, mẫu xe này sẽ được giới thiệu tới khách hàng Việt Nam ngày 30/7 tới đây, với 3 phiên bản L, G và E đi cùng 5 lựa chọn màu sắc.

Bên cạnh thông tin về thời gian ra mắt, Honda Việt Nam cũng tiết lộ CR-V 2020 tại Việt Nam sẽ có gói công nghệ an toàn Honda Sensing (Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn), lần đầu tiên xuất hiện trên một mẫu xe Honda sản xuất trong nước.

Mẫu MPV cỡ nhỏ đang gây sốt trên thị trường là Xpander của Mitsubishi cũng được hãng lên kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam từ tháng 5/2020 thay vì nhập 100% từ Indonesia như trước kia.

Thông tin này được ông Osamu Masuko, Chủ tịch Mitsubishi Motors tiết lộ trong chuyến thăm nhà máy Mitsubishi ở Bình Dương từ tháng 9/2019, sau khi chứng kiến doanh số mẫu xe này vượt mốc 10.000 xe - mốc doanh số tối thiểu để được hãng mẹ đồng ý cho lắp ráp tại nhà máy địa phương.

Mẫu xe có doanh số cao nhất trong phân khúc SUV hiện tại là Fortuner, các bản máy dầu đều được lắp ráp tại Việt Nam từ giữa năm 2019, trong khi các bản máy xăng bán tốt hơn vẫn được duy trì nhập khẩu từ Indonesia. Việc quay trở lại lắp ráp nốt các bản Fortuner máy xăng, chỉ là vấn đề thời gian.

Vì sao các mẫu xe ăn khách chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước? - 2

Honda Việt Nam xác nhận mẫu xe Honda CR-V sẽ được lắp ráp tại Việt Nam trong tháng 7/2020

Hiệu ứng từ chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp

Theo nhận định, năm 2020 chứng kiến hai sự điều chỉnh chính sách quan trọng với ngành công nghiệp ô tô, tác động tích cực cả lên cung (nhà sản xuất) lẫn cầu (sức mua).

Cụ thể, từ ngày 28/6, Nghị định 70/2020 về giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua xe sản xuất lắp ráp trong nước được kích hoạt, giúp người tiêu dùng tiết kiệm từ 25 đến 250 triệu đồng (tùy theo mẫu xe) khi mua xe nội. Quy định này có hiệu lực đến hết năm 2020.

Mặt khác, từ ngày 10/7 tới đây, Nghị định 57/2020 có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe hơi trong nước sẽ được bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô (trừ những linh kiện đơn giản như bu lông, ốc vít không được miễn thuế nhập khẩu).

Việc miễn thuế đối với linh kiện nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn linh phụ kiện nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.

Điều này giúp chi phí sản xuất xe hơi giảm đi đáng kể, tăng khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp so với xe nhập khẩu.

Trước kia, chính Honda CR-V và Toyota Fortuner bị các hãng rút từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia với lý do tối ưu hóa lợi nhuận, chi phí sản xuất tại Việt Nam cao và khó cạnh tranh.

Đến nay, việc các hãng quay lại lắp ráp là một tín hiệu đáng mừng khi các chính sách của Chính phủ với ngành công nghiệp ô tô được đưa ra đúng thời điểm và trúng mục tiêu.

Theo Lam Anh

Giao thông

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm