Vì sao Bộ Giao thông không đồng ý miễn, giảm phí BOT quốc lộ 51?

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc miễn, giảm mức thu phí BOT qua quốc lộ 51 (QL51) sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu dự án và dự án có thể mất khả năng trả nợ ngân hàng...

Thông tin trên được Bộ GTVT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về chính sách miễn thu phí cho các hộ dân tại các xã ở gần khu vực trạm thu phí trên tuyến QL51 tại xã Long Phước, huyện Long Thành.

Vì sao Bộ Giao thông không đồng ý miễn, giảm phí BOT quốc lộ 51? - 1
Trạm thu phí BOT trên QL51 (ảnh: Quốc Anh)

Dự án đầu tư mở rộng QL51 có tổng chiều dài 72,7km, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu làm nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 3.779 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 20 năm 6 tháng 11 ngày. Dự án khởi công ngày 2/8/2009 và nghiệm thu đưa vào sử dụng từ 12/4/2013.

Bộ GTVT cho biết, căn cứ tổng mức đầu tư, lưu lượng thực tế tại thời điểm nghiên cứu và lưu lượng dự báo được cấp thẩm quyền xem xét, quyết định tại hợp đồng dự án, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã xác định xây dựng 2 trạm thu phí chính và một trạm thu phí phụ để thu phí hoàn vốn với giá vé theo quy định đảm bảo tính khả thi dự án.

Cụ thể, các trạm thu phí của dự án gồm: Trạm T1 (Km11+000, phường Tam Phước, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), trạm T2 (Km28+480, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và trạm T3 (Km56 +450, xã Tân Hài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, trạm T2 tại xã Long Phước, huyện Long Thành là trạm thu phí các phương tiện lưu thông từ tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào QL51.

Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 là một trong các dự án triển khai theo hình thức BOT giai đoạn đầu theo quy định của Nghị định 78/2007. Tại thời điểm này, mức thu phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 90/2004 của Bộ Tài chính.

Mức thu phí tại các trạm xác định là 20.000 đồng/lượt/xe con tiêu chuẩn là cố định hết vòng đời dự án và thấp hơn nhiều so với các trạm trên các tuyến QL1, QL14 và trong khu vực là 35.000 đồng/lượt/xe tiêu chuẩn. Đồng thời, số liệu báo cáo doanh thu thực tế kể từ khi thu phí (năm 2009) đến nay thấp hơn khoảng 21% doanh thu dự kiến theo hợp đồng, đang gây nhiều áp lực trả nợ cho doanh nghiệp và đơn vị cung cấp tín dụng.

“Việc miễn, giảm mức thu phí theo đề nghị sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu dự án và dự án có thể mất khả năng trả nợ ngân hàng và khoản nợ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tài chính doanh nghiệp, uy tín của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ GTVT thông tin.

C.N.Q