Kiểm tra đột xuất, chống gian lận phí BOT

(Dân trí) - Phải kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác thu phí; triển khai các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm…

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các cục quản lý đường bộ, các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT triển khai thực hiện kiểm tra số thu, lưu lượng xe qua trạm, sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí BOT.

Cơ quan này yêu cầu các cục quản lý đường bộ tiếp tục thực hiện kiểm tra số thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe qua trạm thu phí và công tác sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí theo Quyết định 4293/2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Các chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT phải tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác thu phí. Đồng thời, triển khai các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm” - Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Kiểm tra đột xuất, chống gian lận phí BOT - 1
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT phải thực hiện quản lý thu phí theo quy định

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT phải thực hiện quản lý thu phí theo quy định của pháp luật, hợp đồng BOT, các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thực hiện chế độ báo cáo, sao lưu dữ liệu, công khai thông tin về dự án theo quy định tại Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT.

Chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm và yêu cầu nhân viên thu phí chấp hành nghiêm chế độ thu phí” - Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có tới 58/60 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng. 

Bộ GTVT đang quản lý 61 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức BOT, trong đó có 60 dự án hoàn thành đi vào khai thác. Bộ GTVT cho biết, trước khi bùng phát dịch Covid-19 Bộ đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

“Rà soát số liệu đến hết năm 2019, có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu” - Bộ GTVT cho hay.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Bên cạnh đó, do sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng, quý, năm; lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo.

Đặc biệt, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp BOT gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với khoản vay.

Châu Như Quỳnh