Vì đâu xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng bất chấp Covid-19?

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2020 do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Vì đâu xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng bất chấp Covid-19? - 1

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 74,02 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Vì đâu xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng bất chấp Covid-19?

Bộ Công Thương vừa công bố số liệu hoạt động xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo, trong tháng 2/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 37,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 1/2020 và tăng gần 30% so với tháng 2/2019 (tháng 2/2019 kim ngạch xuất khẩu đạt thấp do trùng với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi).

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 74,02 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 2,4%, đạt lần lượt là 36,92 tỷ USD và 37,1 tỷ USD. Cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2020 thâm hụt 176 triệu USD.

Về tình hình xuất khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2020 do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể thấy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 6%, cao hơn so với tăng trưởng 0,9% của khối doanh nghiệp FDI”, Bộ Công Thương nhận định.

Đáng lưu ý, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu trong tháng 2 chỉ ước đạt 1,39 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 01/2020 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,03 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo và sắn (tăng lần lượt là 20,5% và 55,8%).

Không chỉ nông sản, một số những mặt hàng có ghi nhận sự sụt giảm là: Hàng dệt và may mặc giảm 1,7%; xơ, sợi dệt các loại giảm 16,5%; sắt thép các loại giảm 33,9%; sản phẩm từ sắt thép giảm 7,9%...

Còn lại các nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,3%, giày dép các loại tăng 3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7,1%, đặc biệt máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng tới 19,6%, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,7%...

Dịch Covid-19 kéo dài sẽ tác động tiêu cực

Theo Bộ Công Thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

“Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận định.

Dự báo đối với cán cân thương mại Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác.

Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19.

Tính đến cuối tháng 2/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cũng cho rằng, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực.

Nguyễn Mạnh