Vì đâu "núi" hàng tồn và doanh nghiệp phá sản đều tăng?
(Dân trí) - Tồn kho tăng, tăng chi phí đầu vào, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhất là cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp vốn FDI.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Việt Nam là nước "có tên tuổi" trên bản đồ xuất khẩu thế giới |
Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) vừa công bố tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong 7 tháng đầu năm, theo đó, số DN giải thể tăng 9,8%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 7 tháng qua, có đến 37.612 DN giải thể hoặc dừng hoạt động, trong khi đó chỉ có 42.398 DN đăng ký thành lập mới. Trong tháng 7/2014, có 5.000 DN thành lập mới, trong khi đó số DN giải thể, dừng hoạt động cũng không kém là 4.900 DN.
Theo Bộ KHĐT, các ngành sản xuất, phân phối điện, nước và ga vẫn có nhiều lợi nhuận với số lượng thành lập mới tăng khoảng 16%. Còn các ngành bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy còn khó khăn với số DN thành lập mới giảm 16,5, dừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ. Lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng chưa thoát khỏi khó khăn khi số DN thành lập mới giảm 9,2%, giải thể, dừng hoạt động là 9,6% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế tạo, chế biến 7 tháng đầu năm tăng 113% so với cùng kỳ năm trước, các ngành tồn kho nhiều là: sản xuất và lắp ráp ô tô, kim loại, giấy…